Loạn hàng Việt Nam xuất khẩu

17/12/2013 17:00 PM |

Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, các cửa hàng thời trang dưới nhãn hiệu “Made in Vietnam” mọc lên như nấm. Có cầu ắt có cung, nhưng thực chất hàng bày bán chủ yếu là hàng gia công và hàng Trung Quốc núp bóng.

Tại các phố như Tạ Hiện, Hàng Bông, Thợ Nhuộm, Chùa Bộc , Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Sơn, Sơn Tây, Đội Cấn ở Hà Nội... các cửa hàng “Made in Vietnam” ngang nhiên bày bán công khai với đủ loại từ quần áo trẻ em và người lớn, giày dép, túi xách, tất, áo bơi... núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu.

Theo một chủ cửa hàng “Made in Vietnam” tại phố Hàng Bông, thì đây là hàng lỗi được lấy từ các Cty may hàng xuất khẩu về bán, mẫu mã theo tiêu chuẩn Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc hoặc Mỹ, duy chỉ có lỗi đường chỉ may hoặc khuy cúc, còn khỏi chê. Một số chủ cửa hàng còn nhỏ to cho biết đây là “hàng nhảy” (hàng ăn cắp) hoặc hàng không đạt chất lượng bị cắt quai, cắt đế được bán thanh lý.

Nhưng trên thực tế thì phần lớn hàng quần áo gắn mác hàng xuất khẩu được bày bán ở các cửa hàng “Made in Vietnam” đều là hàng may gia công hoặc là hàng TQ. Theo một chủ cửa hàng tại phố Thợ Nhuộm, nếu hàng nhập từ TQ về  mà chuẩn thì còn “ngon” hơn hàng may gia công tại Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Gia Lâm hay một số tỉnh lân cận Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hữu Phải -  TGĐ Cty CP May Bắc Giang - thì mỗi lô hàng đều có may thử các mẫu và số này chỉ để trưng bày và chuyển cho đối tác duyệt. Còn trong quá trình may cũng có xảy ra lỗi, nhưng số này rất ít, vì các Cty may hàng xuất khẩu đều có thợ may lành nghề.

Nếu mà lượng hàng lỗi hoặc bị trả lại nhiều như số hàng đang bày bán trên thị trường thì chúng tôi phá sản lâu rồi. Do vậy, có thể khẳng định đây là hàng nhái trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu của hàng VN xuất khẩu.

Theo chị Hằng ở phố Vạn Bảo, Ba Đình, chị đã từng sống ở Australia  thì bên đó họ cũng dùng nhiều hàng “Made in Vietnam”, nhưng có đề rõ nơi sản xuất và có mã vạch, hướng dẫn sử dụng (giặt là và một số phụ kiện dự phòng kèm theo). Như vậy, nếu đúng là hàng VN xuất khẩu thì rất tốt và giá cả phù hợp với người tiêu dùng.

Nhưng ở phần lớn các cửa hàng “Made in Vietnam”, hàng hoá thập cẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và giá cả tuỳ thích. Chia sẻ với chị Hằng, chị Minh ở phố Đỗ Quang (Cầu Giấy, HN) cho biết, chị đã nhiều lần mua phải hàng TQ và gia công tại các cửa hàng “Made in Vietnam” xuất khẩu, về chỉ giặt vài lần là không thể mặc được, vì thường bị phai màu, sùi và dãn vải...

Sơn “bệu” - chủ một cửa hàng “Made in Vietnam” trên phố Chùa Bộc - khi được hỏi về hàng xuất khẩu, hắn xì một tiếng rồi bảo tưởng ông thế nào. Người mình bé con con làm sao mà mặc vừa quần áo của bọn tây, size S của nó bé nhất cũng chỉ vài người mặc vừa.

Theo Sơn thì đánh vào tâm lý là hàng VN xuất khẩu thì phải đảm bảo đúng các tiêu chuẩn của nước ngoài, nhưng do lỗi bị trả về hoặc không xuất được đành bán nội địa. Nhưng nếu là hàng lỗi bị trả về thì cũng phải gần một năm sau mới được thanh lý, làm gì có hàng hợp thời trang, hợp mốt của năm bày bán tràn lan được. Do vậy, chỉ có 2 nguồn hàng chính, đó là hàng TQ và hàng may gia công. Hàng TQ thì có nhiều dòng, khi được nhập về VN sẽ chia ra nhiều loại để bán.

Hàng gia công thì lên mạng tìm các mẫu ăn khách và xu hướng thời trang rồi đặt may, mang bán. Nhãn mác thì rất đơn giản, ông cứ ra đầu phố Hàng Bồ đưa mẫu, chỉ 2 ngày là có. Sau khi được “tráng men” rồi thì giá cả sẽ gấp 3 lần so với thực tế. Tại một cửa hàng giày xuất khẩu trên đường Giải Phóng, nhiều đôi giày nam mang các thương hiệu lớn như: Clarks, Zilandi, Doba... được bán với giá từ 400.000-1.000.000đ/đôi. Trong khi đó, hàng thật không có giá dưới 1,5 triệu đồng/đôi.

Các cửa hàng “Made in Vietnam” đang “treo đầu dê bán thịt chó” đánh lừa người tiêu dùng trong nước, ảnh hưởng đến uy tín của hàng VN xuất khẩu, nhưng QLTT Hà Nội vẫn đứng ngoài. Trong khi đó, theo quy định thì nếu sản phẩm hàng hoá không phải của Việt Nam nhưng lại được gắn mác nội thì đó là hàng nhái, vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý. 

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM