Ông chủ người Bỉ và sôcôla “Made in Vietnam”

17/10/2012 21:07 PM | Nhân vật

Phương thức kinh doanh “cũ người mới ta”.

TGĐ Grand-Place Gricha Safarian sinh năm 1959, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Tự do Brussels Bỉ (ULB). Năm 1994, ông mở văn phòng đại diện tại VN. Năm 2001, xây dựng nhà máy sản xuất sôcôla đầu tiên tại VN và năm 2011 giới thiệu dòng sản phẩm sôcôla nguồn gốc VN đầu tiên trên thế giới.

Ông Gricha Safarian – TGĐ Grand-Place Holding, người sáng lập thương hiệu sôcôla Grand-Place từ năm 1984 và mang nó vào VN và giúp người nông dân canh tác có hiệu quả loại cây nông sản khá mới mẻ: cacao. Không chỉ vậy, ông còn thành công với phương thức kinh doanh “cũ người mới ta” - B2B cho sản phẩm ngọt ngào này.

Cách đây hơn 10 năm, rất hiếm người nông dân VN dành “thiện cảm” cho cây cacao. Nhưng ngày nay, ít nhất có 35.000 hộ nông dân, chủ yếu tập trung ở khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ, có suy nghĩ khác. Bởi cây cacao đã và đang mang lại cho họ một đời sống tốt hơn, cùng những niềm hi vọng sáng sủa ở tương lai.

VN không chỉ là một xứ sở tiềm năng về cacao!

- Thưa ông, sôcôla trong quan niệm của hầu hết mọi người VN là một sản phẩm tiêu dùng xa xỉ. Và có lẽ cũng vì vậy mà ở VN, đây vẫn chưa phải là món “quen” như các sản phẩm bánh, kẹo thông thường. Điều gì khiến ông chọn nơi đây như một địa điểm chính trong số các nhà máy của Grand-Place trên toàn cầu?

Tôi cho rằng nhận định sôcôla là một mặt hàng xa xỉ là một nhận định không đúng. Trên thực tế, tại Bỉ, sôcôla là một phần của các món ăn hàng ngày của bất kỳ trẻ em hay người lớn nào và sôcôla được tiêu dùng bằng nhiều cách thông qua các món kem, kẹo, bánh... Khía cạnh xa xỉ của sôcôla thể hiện chủ yếu đối với sản phẩm kẹo sôcôla. đây là sản phẩm có thể đắt tiền, đặc biệt là nếu làm bằng tay.

Cách tiếp cận của chúng tôi đối với thị trường VN không phải là để bán các mặt hàng xa xỉ mà là cung ứng các sản phẩm có chất lượng tốt đến với các khách hàng công nghiệp để sôcôla được chế biến thêm và trở thành sản phẩm tiêu dùng. Do vậy, chúng tôi chỉ cung ứng sôcôla dưới dạng nguyên liệu cho các nhà máy bánh kẹo, nhà máy sản xuất kem, các tiệm bánh, các nhà hàng và khách sạn.

Bên cạnh đó, VN đang rất nỗ lực để trở thành một quốc gia cung ứng nguồn hạt cacao ra thế giới. Nông dân VN đang trồng giống cây cacao có hương vị rất đặc trưng nếu các hạt cacao này được lên men hoàn toàn. Về phía Grand-Place, mô hình hoạt động của chúng tôi như cầu nối giữa người nông dân với ngành công nghiệp sôcôla và người tiêu dùng ngay tại VN ! Từ hạt cacao đến sôcôla, tất cả các giá trị thặng dư của sản phẩm đều được làm ra tại VN và dành cho người VN.

Tôi tin chắc rằng các bạn nhìn thấy lợi ích mà mô hình kinh doanh này mang lại và với tôi thì đây mới là điều quan trọng.

- Sau một thời gian dài từ năm 1994 đến nay, ông có thay đổi suy nghĩ về tiềm năng của vùng trồng cacao cũng như thói quen canh tác của người nông dân VN ? Và Grand-Place làm gì, thưa ông?

Hiện nay, Grand-Place không sở hữu vùng nguyên liệu cacao. Nhưng ở góc độ gián tiếp, chúng tôi đã và đang thực hiện các hoạt động hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật người nông dân VN trồng cacao. Grand-Place đang tham gia quy trình của chuỗi cung ứng cacao tại VN bằng cách thu mua trái cacao từ người nông dân, thực hiện quá trình lên men hạt cacao trước khi mang đi sản xuất ra nguyên liệu. Các nguyên liệu cacao này sau đó sẽ được chuyển hóa thành sôcôla bởi nhà máy sản xuất sôcôla của Grand-Place tại VSIP Bình Dương.

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng của cây cacao tại VN còn rất lớn, ở cả hai khía cạnh: hạt cacao làm nguyên liệu xuất khẩu và cacao được chế biến thành phẩm để cung ứng cho một thị trường có 86 triệu dân ngay tại VN. Hơn nữa, cây cacao tại các vùng trồng của VN hiện nay chủ yếu là các cây non, cho năng suất 300 - 400 kg quả/ha, chỉ bằng ½ so với năng suất của cây cacao ở một số vùng nguyên liệu khác trên thế giới như Brazil, Malaysia, Bờ Biển Ngà… 

Do đó, chúng tôi đã và đang nỗ lực để đóng góp cho chương trình phát triển loại cây dài ngày này ở VN, cộng hưởng từ chính sách khuyến khích của Chính phủ để đưa chất lượng và sản lượng cacao VN lên mức cao hơn, đủ tiêu chuẩn “đọ ngang” với các nguồn cacao khác trên thế giới.

Trong tương lai, chúng tôi muốn củng cố vị thế dẫn đầu của mình trên thị trường trước hết ở khu vực Đông Nam Á, Asean và quan trọng nhất, với niềm đam mê vô tận dành cho sôcôla. chúng tôi cũng muốn nói với thế giới rằng: VN không chỉ là một xứ sở tiềm năng về cacao!

- Việc tiếp cận, phổ biến và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng cacao đã được Grand-Place “phủ sóng” đến đâu, thưa ông?

Các chương trình đầu tư nghiên cứu và cải thiện hương vị, phương pháp canh tác cacao tại VN đã được Grand-Place triển khai trong 3 năm trở lại đây. Trong thời gian đó, chúng tôi đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm đối với vùng ĐBSCL và Đồng Nai thông qua việc làm việc trực tiếp với người nông dân ở hai khu vực này. Hiện nay, ngoài nhà máy cacao mà Grand-Place xây dựng như một sự đảm bảo hợp tác lâu dài với người nông dân và cũng nhằm góp phần làm cho chương trình phát triển cacao của VN mang tính lâu dài và bền vững. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo cho người nông dân có được thu nhập cao hơn trên một đơn vị diện tích trồng trọt, đặc biệt là khi họ trồng xen canh các cây trồng hiện nay với cacao.

Sức mạnh của chứng nhận truy xuất nguồn gốc

- Ở thời điểm hiện tại, thị phần sôcôla mà Grand-Place cung ứng từ “sôcôla thuần Việt” tại thị trường này đang đạt được bao nhiêu phần trăm, thưa ông?

DN B2B thường cung ứng những gói sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn rất nhiều, thậm chí gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với những sản phẩm B2C thông thường.

Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các cơ quan ban ngành. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang có các chương trình nghiên cứu về phát triển cacao phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế. Gần đây, chúng tôi đang nghiên cứu chương trình sử dụng vỏ cacao làm phân bón để bà con nông dân bón cho cây cacao, thay vì dùng các loại phân khác và qua đó gián tiếp giảm thiểu tỉ lệ kim loại nặng trong hạt cacao VN. Hiện tại, thị phần cung ứng sôcôla của Grand-Place ước tính chiếm khoảng 55% trên toàn thị trường.

- Được biết, ông đang nỗ lực để có thêm nguồn vốn đẩy mạnh hoạt động sản xuất sôcôla tại VN. Nếu không có gì bí mật, điều này thực hiện đến đâu, thưa ông?

Chúng tôi vừa thực hiện lễ ký kết thỏa thuận liên doanh giữa Grand-Place và Puratos, đánh dấu sự khởi đầu của một liên doanh mới. Theo đó, hai bên dự kiến đầu tư 10 triệu USD vào các hoạt động mở rộng công suất của nhà máy sôcôla tại VSIP Bình Dương, xây dựng trung tâm hậu cần để phục vụ cho công tác giao nhận hàng hóa của Grand-Place và Puratos. 

Trên hết chính là dự án xây dựng nhà máy thu mua và lên men hạt cacao tại khu công nghiệp Giao Long tại tỉnh Bến Tre. Nhà máy được xây dựng trên mảnh đất rộng 3 ha với công suất dự kiến 2,000 tấn hạt/ năm cho giai đoạn đầu và đạt đến 8,000 tấn hạt/năm cho giai đoạn hai. Chúng tôi tự tin rằng dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu sôcôla tại VN và cả thế giới dù nguồn cung cacao được dự báo thiếu hụt trong 10 năm tới.

- Là một doanh nhân người Bỉ - kinh đô của sôcôla, ông đánh giá chất lượng sản phẩm có nguồn gốc VN ra sao?

Công thức sản phẩm và bí quyết công nghệ là hai yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng sản phẩm. Việc sản phẩm được sản xuất tại VN hay Bỉ đều không quan trọng. Bất kỳ nhà sản xuất sôcôla nào nếu thu mua được nguồn hạt chất lượng từ VN thì vẫn có thể sản xuất ra loại sôcôla có chất lượng ngon ngang với sản phẩm sôcôla nguốn gốc VN của Grand-Place. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây chính là chứng nhận truy xuất nguồn gốc (COCO-TRACE©) mà chỉ có Grand-Place mới đảm bảo được khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

- “Thống trị” kỹ thuật lên men cacao và sản xuất, cung ứng nguyên liệu sôcôla cho nhiều thị trường thế giới, nhưng Grand-Place vẫn là một nhãn hiệu sôcôla mới mẻ ở VN. Vì sao, thưa ông?

Có một điều mọi người vẫn thường hay nhầm lẫn về chiến lược bán hàng của Grand-Place. Grand -Place là nhà máy sản xuất và cung ứng sôcôla dưới hình thức B2B (loại hình kinh doanh DN đến DN, là loại hình kinh doanh có thị trường lớn gấp nhiều lần so với thị trường hàng tiêu dùng - PV). Đó là lý do rất ít người tiêu dùng VN biết đến nhãn hiệu Grand-Place® nhưng có đến gần 60% số lượng sôcôla tiêu dùng tại VN được sản xuất và cung ứng bởi nhà máy Grand-Place tại VN.

- Xin hỏi ông câu cuối - ngoài kinh doanh - ông nghĩ gì về VN?

VN ngày hôm nay rất khác so với VN mà tôi lần đầu tiên được biết cách đây 19 năm. Duy có những điều không bao giờ thay đối đó là người VN rất sáng tạo, năng động, chịu khó và vui vẻ. Đối với tôi, đây là “đất nước của những nụ cười”.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Mỹ
Diễn đàn Doanh nghiệp

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM