Lao động "thời AEC": Kinh doanh và Tiếp thị "nóng" nhất
Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập mở ra nhiều cơ hội cũng như mang đến không ít thách thức cho cách doanh nghiệp lẫn người lao động. Vậy người lao động Việt Nam cần phải làm gì để chủ động đón "sóng AEC" cùng bạn bè quốc tế?
Tăng cường kỹ năng mềm, ngoại ngữ
“Dù có lợi thế về sự hiểu biết thị trường nội địa nhưng năng suất lao động thấp và thiếu nhiều kỹ năng là những vấn đề cần lưu tâm để lao động Việt Nam có thể cạnh tranh trên “sân nhà” với lao động của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á”, bà Angie S. W Phang – TGĐ Trang mạng việc làm JobStreet.com tại Việt Nam nhận định.
Trên thực tế, một trong những rào cản lớn nhất của người lao động khi Việt Nam gia nhập AEC là khả năng ngoại ngữ.
Theo số liệu của JobStreet.com, Việt Nam chỉ đứng hạng 4/5 về tiếng Anh so với các nước được khảo sát là Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia.
Cũng theo khảo sát, chỉ có 5% lao động mới ra trường tự tin về khả năng tiếng Anh và có đến 27% thừa nhận kém toàn diện về ngoại ngữ.
Báo cáo của Navigos Search (công ty thành viên của en world - tập đoàn đa quốc gia về tuyển dụng nhân sự cấp trung và các vị trí quản lý) về “Thách thức trong tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao” được thực hiện tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản cũng cho thấy, trong số 4 nước được khảo sát, Việt Nam là nước duy nhất đưa tiếng Anh vào trong top 3 các yếu tố quan trọng nhất trong việc đưa ra quyết định tuyển dụng.
Điều này cho thấy tiếng Anh vẫn là một trở ngại đối với đội ngũ lao động người Việt ngay cả ở cấp độ quản lý.
Báo cáo từ Navigos Search cũng chỉ ra top 3 kỹ năng còn thiếu của đội ngũ quản lý Việt Nam là: kỹ năng chuyên môn/kỹ thuật (29%), kỹ năng lãnh đạo (22%) và kỹ năng thích nghi với văn hóa doanh nghiệp (19%).
Bà Thanh Nguyễn - nhà sáng lập, CEO Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com cho rằng: “Với ưu điểm cần cù, chăm chỉ, người lao động Việt Nam cần chuẩn bị thêm một số kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ… đặc biệt cần phải trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, chú ý kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Đồng thời, việc tìm hiểu về môi trường làm việc, văn hóa xã hội của các nước trong khu vực cũng sẽ giúp người lao động dễ dàng tiếp cận và hòa nhập khi có cơ hội làm việc tại nước ngoài cũng như đủ sức cạnh tranh với nguồn nhân lực quốc tế”.
Tập trung vào các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao
Theo số liệu vào tháng 1/2016 của JobStreet, Kinh doanh, Tiếp thị và Công nghệ máy tính – thông tin là 3 ngành có nhu cầu tuyển dụng rất cao tại Việt Nam (chiếm hơn 40% tổng số công việc đăng tuyển trên JobStreet.com Việt Nam).
Trong đó, Kinh doanh và Tiếp thị chiếm đến 29,5% số lượng công việc đăng tuyển nhưng lại có có tỷ lệ hồ sơ/công việc thấp hơn so với các ngành nghề khác như Tài chính/Kế toán, Hành chính/Nhân sự.
Điều này cho thấy nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Kinh doanh và Tiếp thị của doanh nghiệp vẫn chưa được đáp ứng.
Khảo sát của JobStreet vào quý IV/2015 còn cho thấy, không chỉ riêng tại Việt Nam, Kinh doanh và Tiếp thị cũng là ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao tại khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, tại Singapore, ngành này dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng (chiếm 34% trên tổng số công việc) và đứng thứ 2 tại Malaysia (17,8%).
Nhận định về nhu cầu tuyển dụng cao của vị trí Kinh doanh/Tiếp thị, bà Angie S. W Phang cho biết, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Kinh doanh/Tiếp thị trong sự thành bại của một công ty.
Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược đúng đắn để thu hút và giữ chân những nhân viên kinh doanh xuất sắc - bộ phận chiếm số lượng khá nhỏ trong thị trường Kinh doanh/Tiếp thị.
Bên cạnh đó, Kỹ thuật cũng là ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao tại cả 3 quốc gia thuộc AEC, chiếm 11,8% tại Việt Nam, 32% tại Singapore và 19,9% tại Malaysia.
Còn ngành Tài chính/Kế toán thì giữ vị trí thứ 3 tại Việt Nam và Malaysia, chiếm lần lượt 10,2% và 9,7% nhu cầu tuyển dụng. Ngành Hành chính/Nhân sự (Admin/Human Resource) đứng thứ 3 (23%) tại Sinagpore về nhu cầu tuyển dụng.
Nói về cơ hội và thách thức của lao động Việt Nam ở các ngành nghề cụ thể, bà Thanh Nguyễn cho biết thêm: “Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu ở lao động giá rẻ với các ngành thuộc khối sản xuất. Ngoài ra, Công nghệ thông tin và Điện tử - Bưu chính viễn thông cũng là 2 ngành đang được đánh giá có trình độ lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, với ưu điểm cần cù, chăm chỉ và thông minh, lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội ở lĩnh vực Du lịch, Khảo sát, Nha khoa, Điều dưỡng, Kế toán... Còn đối với những ngành Kiến trúc, Xây dựng, Kỹ thuật... thì trình độ và tay nghề của lao động Việt Nam vẫn còn thua kém các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên với tinh thần chịu khó học hỏi và sự cần cù, nếu có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài thì tôi tin rằng chất lượng lao động Việt Nam sẽ dần được cải thiện nhiều”.