Kỷ nguyên của người tiêu dùng châu Á đã đến

13/08/2014 11:05 AM |

Câu chuyện về người tiêu dùng châu Á không chỉ được phản ánh trong ngành bán lẻ mà còn có phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều: ngành du lịch, hoạt động sản xuất và cả cơ sở hạ tầng của các quốc gia.

Chào mừng đến với kỷ nguyên của người tiêu dùng châu Á, thời đại mà tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh sẽ biến đổi hoạt động sản xuất cũng như cơ sở hạ tầng của các quốc gia châu Á, từ đó ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.

Để tận dụng xu hướng giàu lên của người tiêu dùng cũng như khai thác nhu cầu về hàng  hóa xa xỉ, các thương hiệu tầm cỡ toàn cầu (như Prada) đã mở rộng hoạt động ở châu Á – châu lục đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong suốt thập kỷ qua.

Tuy nhiên, câu chuyện về người tiêu dùng châu Á sẽ không chỉ được phản ánh trong ngành bán lẻ mà còn có phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều: ngành du lịch, hoạt động sản xuất và cả cơ sở hạ tầng của các quốc gia. 

Theo Quincy Krosby – chuyên gia đến từ Prudential Financial (Mỹ), sự trỗi dậy của người tiêu dùng châu Á là nhân tố quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. “Hãy nhìn vào những khía cạnh như hàng hóa xa xỉ, du lịch, các khu nghỉ dưỡng, nơi ở và cả các sân bay. Toàn bộ cơ sở hạ tầng phục vụ người tiêu dùng đang được thay đổi trên toàn châu Á”. 

Ví dụ, các sân bay ở Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ đang mở rộng thêm các nhà ga để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Sức chứa của sân bay Changi của Singapore (sân bay quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á) được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.  

“Chúng ta có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành du lịch, không chỉ ở Manila mà ở bất cứ đâu”, CEO của hãng hàng không giá rẻ AirAsia chia sẻ với CNBC bên lề Diễn đàn kinh tế Đông Á diễn ra ở thủ đô của Philippines hồi tháng 5. 

Ngân hàng Phát triển Đông Á (ADB) dự báo rằng châu Á sẽ tăng gấp đôi mức độ đóng góp vào tăng trưởng GDP toàn cầu, từ 27% của năm 2010 lên 51% vào năm 2050. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực này có thể tăng gấp 6 lần, lên ngang bằng với  mức trung bình của thế giới, cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người dân châu Á. 

Còn theo OECD, châu Á sẽ là nơi sinh sống của 66% dân số có thu nhập trung bình trên toàn cầu, tăng mạnh so với mức 28% của năm 2009. 

Bên cạnh đó, tỷ trọng của tiêu dùng trong GDP ở một số nền kinh tế lớn của châu Á vẫn ở mức khá thấp. Điều đó có nghĩa là vẫn còn tiềm năng tăng trưởng chưa được phát huy, các chuyên gia kinh tế nhận định. 

Theo số liệu từ chính phủ, ở Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chi tiêu của các hộ gia đình chỉ chiếm 36% GDP, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 69% của Mỹ. 

“CEO của tất cả các công ty tiêu dùng đều biết một điều: họ phải có được vị trí dẫn đầu ở châu Á”,  John Rutledge – chuyên gia đến từ Safanad ở California – nói. Trong những năm tới, châu Á sẽ thay thế Bắc Mỹ và châu Âu trở thành thị trường chủ chốt của hàng tiêu dùng. 

Thu nhập của người tiêu dùng tăng lên có nghĩa là hoạt động sản xuất ở châu Á  - từ nhiều năm nay luôn sản xuất mọi thứ, từ giày dép, đồ chơi cho đến xe hơi – sẽ chuyển sang những sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng hơn. 

Krosby cho rằng hãy lấy Nhật Bản làm ví dụ. Quốc gia này từng sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp nhưng giờ đây không còn như vậy. Đó là một cuộc cách mạng. Trung Quốc cũng đang dần dần chuyển sang nền kinh tế tiêu dùng và tiến thêm bậc trên chuỗi giá trị. Xu hướng này cũng đang diễn ra trên toàn châu Á. 

Bởi vậy, hoạt động sản xuất không rời khỏi châu Á mà chuyển sang dạng thức dựa vào người tiêu dùng và chú trọng khu vực dịch vụ. 

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM