Kinh tế Việt Nam và nguy cơ biến cơ hội thành... thách thức
“Báo cáo nêu là sự tự chủ của kinh tế trong nước có xu hướng cải thiện, nhưng tôi thấy dường như kém hơn”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét tại hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, sáng 17/12.
Tại đây, kết quả của báo cáo giám sát và đánh giá quá trình thưc hiện đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế do CIEM cùng nhóm chuyên gia tư vấn của dự án “Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (RCV)” đã được trình bày khái quát.
Theo đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Ổn định kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững, tạo niềm tin cho thị trường tái phân bổ lại nguồn lực.
Ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế, không để gây ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp là thành tựu nổi bật nhất của quá trình tái cơ cấu kinh tế thời gian qua, CIEM nhận định.
Tự chủ dường như kém hơn
Nhận xét đây là một bản báo cáo rất lý thú, bà Phạm Chi Lan thể hiện sự đồng tình cao với nhiều nội dung tại đây.
Chẳng hạn, để tiến hành tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh.
Nhưng, theo bà thì rất cần nói thêm một câu, đó là cần duy trì ổn định vĩ mô, nhưng cái cần phá vẫn phải phá, cần cho chết vẫn phải cho chết, vì nếu không chết được thì nó sẽ cản trở tái cơ cấu.
“Thực tế thời gian qua nhiều trường hợp nhân danh sự ổn định vĩ mô, rồi không cho vỡ bất cứ cái gì”, bà Lan nói.
Một điều nữa, theo bà cũng cần làm rõ, là trên thực tế chưa thấy thị trường tái phân bổ nguồn lực vì nguồn lực cơ bản vẫn nằm trong tay Nhà nước, nên thị trường không có quyền lực để phân bổ.
Bà Lan cũng nêu quan điểm rằng, việc lạm phát giảm mạnh không hẳn chỉ nhờ chính sách vĩ mô, mà còn do giá dầu giảm, giá lương thực hay tác động của cầu nội địa thấp. Ổn định vĩ mô còn bấp bênh và niềm tin của thị trường vào tái cơ cấu là chưa nhiều.
Một nhận định tiếp theo được nêu tại báo cáo, là sự tự chủ của kinh tế trong nước có xu hướng cải thiện, theo chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cần được cân nhắc.
Bởi theo bà, đã không cao hơn mà sự tự chủ của nền kinh tế dường như kém hơn, khi tăng trưởng chủ yếu nhờ vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm tới 72% xuất khẩu, và sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ngày càng lớn hơn, thể hiện qua con số nhập siêu.
“Thực tế là Việt Nam đang bước vào hội nhập với nền kinh tế kém tự chủ hơn. Việt Nam có nguy cơ biến cơ hội thành thách thức, chứ không phải biến thách thức thành cơ hội”, bà Lan nhấn mạnh.
Đổi mới thể chế mới trên bề mặt
Cũng nhận được sự đồng tình cao tại hội thảo là phần nhận xét của báo cáo về đổi mới thể chế kinh tế.
Bản báo cáo nêu rõ, những đổi mới thể chế vừa qua chỉ thực hiện trên bề mặt thông qua cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hệ thống pháp luật chuyên ngành…
Vì thế, dù đã đạt được một số thành công nhất định trong việc tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn, ít có sự can thiệp của Nhà nước hơn. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì những cải cách của Việt Nam vẫn chưa đủ để đáp ứng tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi thân thiện với thị trường. Các chỉ số về môi trường kinh doanh, quản trị Nhà nước của Việt Nam vẫn còn thấp.
Các tác giả báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, những vấn đề trong thể chế điều chỉnh quan hệ nội bộ các bộ máy Nhà nước hầu như chưa được đụng đến.
Hiện nay, Việt Nam đang chịu thách thức lớn là quá trình quyết định của Nhà nước mang tính phân tán, thiếu địa chỉ cụ thể. Do đó, khi các quyết định đó tạo ra những hậu quả cho nền kinh tế, thì không ai chịu trách nhiệm.
“Nhà nước Việt Nam không tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập, do đó hệ thống giám sát và kiểm tra chéo lẫn nhau là chưa rõ ràng. Thể chế kinh tế thị trường đòi sự công bằng và minh bạch trong hoạt động của Nhà nước, do đó cần có hệ thống giám sát và kiểm tra phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Các tổ chức có chức năng giám sát như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra nội bộ các bộ và địa phương cần phải có quy chế độc lập để tránh bị ảnh hưởng từ các cơ quan công quyền đối với kết quả giám sát, kiểm tra”, báo cáo viết.
Dẫn kết quả khảo sát tại Bộ Tài chính giai đoạn 2006-2014, báo cáo nêu con số xấp xỉ 1.800 đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính được sử dụng ngân sách nhưng tỷ lệ các đơn vị được thực hiện kiểm toán nội bộ hàng năm chưa đến 5%.
Tỷ lệ các đơn vị này được giám sát bởi các cơ quan bên ngoài (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính) từ năm 2010 đến nay luôn dưới 4%, trong khi mức kiểm tra giám sát dưới 5% thì coi như là không thực hiện kiểm tra giám sát.
Tình trạng thiếu cơ chế kiểm tra giám sát hữu hiệu tại các cơ quan Nhà nước là phổ biến. Điều này làm suy yếu một thể chế Nhà nước pháp quyền và việc các địa phương phớt lờ chỉ thị của Thủ tướng là một ví dụ rõ nét, các tác giả của báo cáo nhận định.