Không thể thay cải cách kinh tế bằng TPP!

18/10/2015 08:13 AM |

Một thỏa thuận thương mại tự do như TPP không phải là sự thay thế cho một chiến lược kinh tế toàn diện nào đó.

Khi TPP chuẩn bị được đưa ra Quốc Hội Mỹ để bỏ phiếu thông qua thành luật, nhiều cuộc tranh luận đã làm sống lại những hiểu lầm cũ về tác động của các hiệp định thương mại đối với các nền kinh tế.

Trong 5 năm qua, nhà kinh tế Peter A.Petri cùng các đồng nghiệp đã xây dựng nên các mô hình kinh tế đánh giá tác động của TPP. Cho tới khi Ủy ban thương mại quốc tế USITC phát hành các báo cáo chính thức về TPP thì mô hình mà Peter A.Petri xây dựng là một trong những nghiên cứu có thể coi là cung cấp những đánh giá gần như chi tiết nhất về TPP.

Nhà kinh tế Peter A.Petri là giáo sư Tài chính quốc tế tại Đại học Brandeis, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông – Tây, là người tham gia nghiên cứu tại Viện kinh tế quốc tế Peterson. Ông là người tham gia vào việc xây dựng, đàm phán các hiệp định thương mại mới và có quy mô lớn của Mỹ bao gồm TPP và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực Asean mở rộng (RCEP).

Nghiên cứu dựa trên mô hình cân bằng tổng thể (Computable General Equilbrium - GCE) - một dạng mở rộng của mô hình “Cân đối liên ngành IO – Input – Output”. Được phát triển bởi Wassily Leontief, IO là một hệ phương trình mô tả liên hệ giữa đầu vào và đầu ra của từng ngành sản xuất trong nền kinh tế. Sản phẩm đầu ra của ngành này sẽ là nguyên liệu đầu vào của ngành khác, do đó bất kỳ sự thay đổi nào trong một ngành (như sản lượng tăng, mức thuế suất thay đổi...) đều sẽ tác động đến toàn bộ mạng lưới các ngành trong nền kinh tế. IO sẽ đo lường mức độ của sự lan tỏa này.

Trong khi đó GCE không xem xét từng ngành mà mở rộng ra toàn bộ cung cầu của nền kinh tế với yếu tố được xét đến giá. Peter A.Petri và các đồng nghiệp đã nhóm các nền kinh tế trên toàn thế giới thành 24 quốc gia và khu vực với 18 lĩnh vực sản xuất, sau đó kiểm tra xem TPP sẽ ảnh hưởng như nào tới các thị trường này trong vòng 15 năm tới.

Sau khi tính toán trên rất nhiều số liệu, họ đánh giá được cả những tác động trực tiếp (ví dụ như Mỹ giảm thuế nhập khẩu ô tô tác động như thế nào đến ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản) cũng như các tác động gián tiếp (như các yếu tố lực cầu và lao động trên thị trường thép ảnh hưởng như thế nào đến tiền lương thực).

Mô hình của Peter A.Petri và các đồng nghiệp thì đã rút ra 4 đánh giá dưới đây:

1. Sẽ không thể thấy ngay lập những ảnh hưởng lớn của TPP đối với nước Mỹ: Hơn 90% hoạt động kinh tế Mỹ có liên quan tới các thị trường và việc làm chỉ chịu ảnh hưởng tối thiểu từ thương mại trong TPP thời gian đầu. Thậm chí trong giai đoạn đầu nhiều giao dịch thương mại của Mỹ với các đối tác TPP sẽ không chịu tác động.

TPP sẽ áp dụng những luật chơi tiên tiến nhất vốn đã được áp dụng tại Mỹ, do đó sẽ chỉ đem đến những thay đổi nhỏ về thuế quan, tiêu chuẩn và các luật lệ. Trong khi đó nhiều đối tác thương mại TPP của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn do những nước này có sự phụ thuộc lớn hơn vào thương mại, phải cắt giảm mạnh hàng rào thuế quan sau khi gia nhập hay áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe hơn về lao động, môi trường. Tuy nhiên kể ở những nước này các thay đổi sẽ được áp dụng một cách từ từ, thậm chí sẽ mất khoảng 10 năm để các công ty và người lao động và các quốc gia thuộc TPP điều chỉnh lại các tiêu chuẩn.

2. Qua thời gian TPP sẽ đem lại những tác động rất lớn: các hiệp định thương mại sẽ giúp chọn lọc và dịch chuyển các nguồn lực (con người và tài nguyên) tới cho những ngành có năng suất, hiệu quả hoạt động tốt nhất trong nền kinh tế. Điều này sẽ làm tăng lương và giảm giá các loại hàng hóa, do đó làm tăng sức mua thực của người dân. Trong các giai đoạn phát triển giống nhau, Chile, Trung Quốc và Hàn Quốc luôn có được mức tăng trưởng tốt hơn các nền kinh tế có xu hướng khép kín. Do đó TPP sẽ có tác động khá tích cực với những nền kinh tế thành viên.

Tương tự TPP sẽ làm lợi cho các ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh nhất của Mỹ. Một phần là do TPP đặt những ngành này vào một vị thế vững chắc hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu vốn đang tập trung ở châu Á. Ngoài ra các quy định đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ của TPP sẽ giúp bảo vệ những sản phẩm có tính cạnh tranh cao khỏi các cuộc tấn công, cạnh tranh không lành mạnh. Các công ty công nghệ Mỹ cũng được bảo vệ ở các thị trường kém phát triển hơn, do đó khuyến khích sự sáng tạo và thâm nhập các thị trường mới.

Nhìn chung, mô hình nghiên cứu này ước tính rằng, trung bình mỗi năm từ nay đến 2025, thu nhập thực tế của Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 77 tỷ USD (sai số có thể lên đến 30% theo cả hai chiều). Thị trường việc làm Mỹ được dự báo vẫn sẽ ổn định và không có quá nhiều thay đổi. Tuy nhiên theo dự báo tới năm 2025 sẽ có khoảng 650.000 người, gần 0,5% lực lượng lao động, làm trong các công việc liên quan tới xuất khẩu. Số này chuyển từ ngành công nghiệp sang.

Những bước chuyển dài hạn này sẽ trực tiếp làm lợi cho người lao động Mỹ. Các công việc liên quan tới xuất khẩu tăng đến 18%, nhiều hơn mức tăng trong các ngành công nghiệp phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Tuy không phải tất cả mọi lao động đều có thể tham gia vào những công việc liên quan xuất khẩu, TPP sẽ thúc đẩy người lao động đạt tới trình độ, kỹ năng cao hơn và do đó sẽ có được mức lương tốt hơn. Theo một nghiên cứu, mức lương trung bình của ngành xuất khẩu có thể cao hơn gấp 1/3 so với các công việc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo.

3. Nhìn chung cơ chế tác động đến các nước tham gia TPP là giống nhau: các công ty, lĩnh vực, việc làm sẽ hoạt động hiệu quả hơn, dù mức độ đối với từng ngành là khác nhau. Chắc chắn, một vài nước nằm ngoài TPP sẽ chịu thua thiệt trong cạnh tranh trên con đường phát triển, tuy vậy sự mất mát, thua thiệt của họ là tương đối nhỏ so với những lợi ích toàn cầu đạt được qua hiệp định này. Điều này cũng hối thúc các nước còn lại tham gia vào TPP.

Cuối cùng, TPP sẽ kích thích giao thương giữa châu Âu và các nước châu Á cũng như Mỹ La Tinh. TPP sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới cho những quy tắc đã tồn tại suốt nhiều năm nay, kể từ khi WTO ra đời hay trước đó là hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ.

4. Cuối cùng, một thỏa thuận thương mại tự do như TPP không phải là sự thay thế cho một chiến lược kinh tế toàn diện nào đó. Việc tối đa hóa các lợi ích từ TPP sẽ đòi hỏi các nước phải có sự bền vững vào cơ sở hạ tầng cũng như phát triển kỹ năng của người lao động.

Một yếu tố quan trọng hơn là các sáng kiến như TPP sẽ giúp thu hẹp bất bình đẳng, khoảng cách thu nhập trong xã hội.

Các nước không nên quá lạc quan về TPP, coi TPP là “thần dược” để tăng trưởng dù rõ ràng TPP có rất nhiều tác động tích cực. Phần thưởng sẽ giành cho nước nào thật sự nghiêm túc nỗ lực.

Theo Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
XEM