Không phải kê khai thuế khi bán hàng trên mạng xã hội?
Theo nội dung quy định tại Thông tư 47 người bán hàng trên mạng xã hội phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Song khi trả lời báo chí, đại diện Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) lại bác bỏ thông tin này.
Tại Thông tư 47 do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo Quy định về quản lý website thương mại điện tử trong đó quy định về quản lý hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.
Theo đó, Thông tư quy định hoạt động bán hàng trên mạng xã hội phải tuân thủ các điều khoản ở Nghị định số 52 như cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin trụ sở thương nhân, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các số điện thoại liên lạc…; cung cấp trung thực các thông tin hàng hóa, dịch vụ, giá cả…
Đồng thời, yêu cầu các thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật; phải đăng ký các hoạt động với bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử…
Đáng chú ý, người tham gia kinh doanh trên mạng xã hội phải kê khai thuế theo quy định của pháp luật.
Người nói có, người bảo không
Trao đổi với PV việc người kinh doanh, bán hàng trên mạng xã hội cụ thể là Facebook có phải đóng thuế hay không, ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 47 “Người bán trên các mạng xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 6 phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP”.
"Theo đó, người bán trên các mạng xã hội phải thực hiện trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm cả quy định về việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật", ông Hưng khẳng định.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, điểm này sẽ không khả thi và các cơ quan chức năng khó có thể quản lý, giám sát, ông Hưng chia sẻ, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và thuế sẽ triển khai các hoạt động cụ thể để vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên mạng xã hội, vừa đảm bảo thu thuế phù hợp với pháp luật. "Để thuận tiện cho cá nhân kinh doanh theo hình thức này, các hoạt động khai báo, nộp thuế và kiểm tra giám sát nên được thực hiện trực tuyến", ông Hưng thông tin.
Trong khi đó, trả lời báo chí nhằm làm rõ những băn khoăn của dư luận về việc người kinh doanh trên mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng có phải đóng thuế hay không, bà Lại Việt Anh, cục phó Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) nhấn mạnh: Chỉ thương nhân nào dùng mạng xã hội nhưng dưới dạng sàn giao dịch thương mại điện tử mới phải đăng ký.
Theo đó, những thương nhân dùng mạng xã hội nhưng cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; cho lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu; hoặc cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ... mới phải đăng ký và thực hiện các nghĩa vụ như thuế với Nhà nước.
Nhìn nhận về những thuận lợi khó khăn do quy định tác động đến người kinh doanh trên mạng xã hội và thương mại điện tử, ông Hưng cho rằng, thuận lợi do quy định mang lại là làm giảm bớt các thương nhân, tổ chức, cá nhân đang lợi dụng thương mại điện tử như một công cụ để bán các mặt hàng cấm theo quy định của pháp luật.
Loại bỏ các website thương mại điện tử không lành mạnh, hoạt động manh mún nhằm góp phần tạo môi trường trong sạch cho thương mại điện tử phát triển bền vững. Đồng thời, cân bằng lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của các thương nhân, tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử so với môi trường truyền thống. Tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động mua bán trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, khó khăn là các chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ thông tin, cũng như lọc thông tin, xử lý các thông tin phản ánh về các mặt hàng cấm theo quy định của pháp luật.
>> Phấn đấu 90% doanh nghiệp áp dụng kê khai thuế điện tử trong năm nay
Theo Tâm An