Italia và Hà Lan để mất vị trí trung tâm tài chính thế giới như thế nào?

18/12/2013 21:30 PM |

Trong suốt 7 thế kỷ qua, trọng tâm của kinh tế thế giới đã dịch chuyển lần lượt từ Italia sang Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và hiện nay là Mỹ.

Trung tâm tài chính của thế giới thay đổi

Trong suốt 7 thế kỷ qua, trọng tâm của kinh tế thế giới đã dịch chuyển lần lượt từ Italia sang Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và hiện nay là Mỹ. Tuy nhiên, có một đặc điểm không bao giờ thay đổi: đất nước nắm giữ vị trí trung tâm của thế giới (cả về kinh tế và quyền lực) sẽ phát hành trái phiếu để trang trải chi phí. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua những trái phiếu này bởi chúng đại diện cho những trái phiếu an toàn nhất để đầu tư. 

Đất nước nằm ở trung tâm của kinh tế thế giới có thể phát hành nhiều trái phiếu hơn với chi phí thấp hơn so với các nước khác. 

Tuy nhiên, qua thời gian, đất nước đó mất dần quyền lực và nhà đầu tư bắt đầu chuyển tiền đầu tư sang các nền kinh tế mới nổi khác.

Cho tới những năm 1500, Italia vẫn là trung tâm của kinh tế phương Tây. Khi đó, vùng Địa Trung Hải là cửa ngõ dẫn vào Byzantium, Trung Đông và cả Trung Quốc và Ấn Độ. Những thành phố như Venice, Genoa, Florence và nhiều thành phố khác của Italia lớn mạnh nhờ vào hoạt động thương mại. Tuy nhiên, chiến tranh giữa các vùng cũng khiến nhiều thành phố của Italia bị ảnh hưởng.

Đến những năm 1600, đất nước quyền lực nhất về kinh tế lại là Hà Lan. “Đất nước cối xay gió” đóng vai trò quan trọng nhờ vào giao dịch thương mại ở Đại Tây Dương. Bắc Âu cũng giúp Hà Lan củng cố vị thế của mình. Thặng dư vốn của Hà Lan có thể được minh họa qua bằng chứng lịch sử là bong bóng hoa tulip trong những năm 1630.

Tuy nhiên, Hà Lan quá nhỏ để có thể duy trì vị thế là trung tâm của kinh tế toàn cầu. Các cuộc cách mạng thương mại và công nghiệp đã dịch chuyển vùng trung tâm của kinh tế thế giới sang Anh vào cuối thế kỷ 17. Cuộc cách mạng công nghiệp năm 1688 nâng cao đáng kể vị thế chính trị của nước Anh và cho phép quốc gia này duy trì vị trí trung tâm cho tới năm 1914.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, trung tâm của thế giới lại dịch chuyển từ London sang New York. Và, ngày nay, New York vẫn là trung tâm của kinh tế toàn cầu. Đồng USD là đồng tiền dự trữ thế giới, và điều này đã cho phép Washington có thể phát hành trái phiếu với chi phí thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Chỉ số trái phiếu chính phủ 

Global Financial Data đã xây dựng chỉ số trái phiếu chính phủ, sử dụng dữ liệu về trái phiếu do chính phủ các nước kể trên phát hành để theo dõi lợi suất trong suốt 7 thế kỷ qua. Từ năm 1285 đến 1600, dữ liệu về trái phiếu Italia được sử dụng. Từ năm 1606 đến 1699 là trái phiếu của Hà Lan, từ 1700 đến 1914 là trái phiếu của Anh và từ 1919 đến nay, trái phiếu kỳ hạn 10 năm do chính phủ Mỹ phát hành được sử dụng.

Hiểu thêm về lợi suất trái phiếu

Lợi suất trái phiếu do chính phủ các nước phát hành được quyết định bởi một số yếu tố: tăng trưởng GDP thực, tỷ lệ lạm phát, yếu tố cung cầu và rủi ro.

Lợi suất trái phiếu chính phủ không có rủi ro sẽ bằng với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa bởi nó đại diện cho chi phí cơ hội của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ cả trên phương diện cơ hội đầu tư (GDP thực) và giá trị thời gian của tiền tệ (lạm phát). 

Tăng trưởng cao hơn hoặc lạm phát cao hơn sẽ dẫn đến lợi suất trái phiếu tăng lên. Độ rủi ro của trái phiếu tăng lên cũng khiến lãi suất tăng lên. Nhà đầu tư có thể lo sợ rằng chính phủ không thể hoàn trả khoản nợ, giảm chi phí thực của trái phiếu thông qua lạm phát, hoặc giảm giá đồng nội tệ cũng là một cách để cắt giảm chi phí. Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giá trái phiếu. 

Xu hướng chung cho lợi suất trái phiếu chính phủ trong suốt 7 thế kỷ qua là giảm xuống. Không thể cho rằng đây là kết quả của tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc lạm phát giảm tốc, nhưng rõ ràng là một phần nguyên nhân nằm ở rủi ro vỡ nợ giảm xuống. Từ năm 1285 đến giữa những năm 1600, lợi suất trái phiếu chính phủ biến động trong khoảng 6% - 10%, trong một số trường hợp quanh mốc 20%.

Bởi vì có rất ít số liệu về lợi suất trước những năm 1700, có thể kết luận rằng lợi suất tăng vọt là do những sự kiện đặc biệt ảnh hưởng đến các chính phủ phát hành, đặc biệt là khi chiến tranh xảy ra. Lợi suất của các tài sản đầu tư khác cũng thấp hơn, nhưng do dữ liệu quá ít, khó có thể khẳng định rằng đây là nguyên nhân. Tuy nhiên, xu hướng là khá rõ ràng. 

Kể từ năm 1700, các thị trường trái phiếu tương đối phát triển đã tồn tại ở London và New York, cho phép theo dõi lợi suất một cách chính xác. Kể từ giữa những năm 1600, trung bình lợi suất trái phiếu chính phủ vào khoảng 4%. Trước những năm 1600, lợi suất bị chi phối bởi rủi ro. Sau những năm 1600, lạm phát là nhân tố chi phối.

Trở thành trung tâm của kinh tế thế giới có nhiều cái lợi bởi nước đó có thể phát hành trái phiếu với chi phí thấp hơn nhiều so với các nước khác. Trong dài hạn, điều này có thể dẫn đến tình trạng phát hành quá nhiều nợ.

Với tình trạng nợ của chính phủ Mỹ ngày càng tăng, một số người đang bắt đầu tự hỏi liệu nước Mỹ có thể duy trì vị thế như hiện tại hay không. Trước khi nhận định về Mỹ, hay xem xét trường hợp của Italia, Hà Lan và Anh trong quá khứ. 

Thu Hương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM