Indonesia: Nền kinh tế nghìn tỷ đô trong tương lai của châu Á

17/04/2015 14:10 PM |

Nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia đang được dự đoán sẽ tăng từ mức GDP hiện tại 870 tỷ USD lên mức 1,14 nghìn tỷ USD vào năm 2017.

Nội dung nổi bật:

- Theo dự đoán IHS, nền kinh tế Indonesia đang có khả năng đạt tốc độ phát triển dài hạn quanh mức 5,4%/năm trong giai đoạn từ 2016 – 2020, nâng GDP từ mức 870 tỷ USD lên mức 1,14 nghìn tỷ USD vào năm 2017.

- Dù đang có những biểu hiện rất tốt nhưng Indonesia vẫn cần xử lý một số thách thức bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội việc làm cho phần lớn công nhân.


Theo khảo sát của IHS, Indonesia đang trong quá trình trở thành nền kinh tế nghìn tỷ đô của châu Á trong vòng 2 năm tới để “sánh vai” cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc.

“Nền kinh tế Indonesia đang có khả năng đạt tốc độ phát triển dài hạn quanh mức 5,4% 1 năm trong giai đoạn từ 2016 – 2020”, Rajiv Biswas – kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của IHS nhận xét. Bước tiến này sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á tăng từ mức GDP hiện tại 870 tỷ USD lên 1,14 nghìn tỷ USD vào năm 2017.

Thậm chí sau đó, GDP của Indonesia tiếp tục được dự đoán tăng gấp đôi vào năm 2023 lên mức 2,1 nghìn tỷ USD, vượt qua Úc với mức 1,52 nghìn tỷ USD như hiện tại.

“So sánh trên toàn thế giới, nền kinh tế Indonesia cũng sẽ lớn hơn Nga, Tây Ba Nha và Hà Lan vào năm 2023’, Biswas nói.

Nền kinh tế của Indonesia đã chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt giúp ổn định tiêu dùng nội địa và sự gia tăng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu tại đây.

Cụ thể, nền kinh tế Indonesia đã mở rộng thêm 5% trong năm 2015 với tốc độ phát triển dự kiến sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn 2015 – 2016.

Động lực chuyển đổi

Sự tăng trưởng vượt bậc trong khoảng 1 thập kỷ tới của nền kinh tế Indonesia có mối liên hệ đáng kể đến chính trị, Biswas nói. Đất nước này sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên chính trường quốc tế, bao gồm cả các tổ chức như G-20, IMF, Ngân hàng thế giới và Liên hợp quốc.

“GDP của Indonesia tăng cũng sẽ tạo điều kiện phát triển thương  mại song phương mạnh mẽ và cơ hội đầu tư vào những phân khúc thị trường bỏ ngỏ trong nhiều ngành công nghiệp bao gồm nguồn nhân lực, sản xuất và dịch vụ”.

GDP đầu người của Indonesia dự đoán tăng lên 8.700 USD vào năm 2025 từ mức 3.400 USD hiện tại để trở thành thị trường tiêu dùng phát triển lớn nhất thế giới.

Những rào cản cần vượt qua

Mặc dù nền kinh tế của Indonesia có biểu hiện tích cực trong khoảng 1 thập kỷ qua nhưng nó vẫn cần giải quyết những thử thách chính bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội việc làm cho phần lớn công nhân.

“Cấu trúc dân số trẻ của Indonesia sẽ đóng góp khoảng 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động mỗi năm trong khoảng 1 thập kỷ tới. Chính vì vậy, Indonesia cần duy trì được tốc độ phát triển việc làm mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn những người trẻ tuổi kể trên, tránh nguy cơ gây bất ổn cho xã hội”.

Chính phủ cũng cần đa dạng hóa nền kinh tế thay vì phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hàng hóa như hiện nay. “Giá một số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như than đá của Indonesia giảm là nguyên nhân dẫn đến sự thâm hụt đáng kể trong tài khoảng vãng lai của Indonesia. Bởi vậy, chìa khóa quan trọng dành cho Indonesia là phải đa dạng hóa nền tảng xuất khẩu. Động thái này cũng giúp họ tạo ra lượng việc làm đáng kể và xây dựng mối liên quan đặc biệt với chuỗi cung ứng nội địa”.

>> Indonesia: Bùng nổ nhà máy sản xuất điện thoại

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM