Hấp dẫn đầu tư từ hạ tầng cảng biển

30/03/2015 08:00 AM |

Làn sóng đầu tư cảng biển bắt đầu có những thay đổi từ cuối năm 2014, khi Chính phủ đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển trong quá trình cổ phần hóa.

Nội dung nổi bật:

- Trước đó, việc chào bán cổ phần chưa thu hút được các nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân nên chưa thành công. Nhưng sang năm 2015, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đề xuất tham gia, phản ánh rõ hướng đầu tư mới vào hạ tầng cảng biển.

- Cùng với sự tham gia của Tập đoàn T&T, Vingroup cũng đã nhảy vào lĩnh vực này.

- Tại phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh vào ngày cuối cùng của năm 2014 đã thu hút 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán.


Việc thoái vốn tại các cảng được đẩy mạnh, mức vốn Nhà nước nắm giữ giảm xuống, thậm chí có những cảng sẽ nghiên cứu, đề xuất bán toàn bộ cho tư nhân đầu tư để giúp tập trung vào tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinalines).

Theo kế hoạch cổ phần hóa các đơn vị cảng, đối với các cảng đầu mối trọng yếu, Nhà nước chỉ giữ 51% vốn thay vì 75% như quyết định trước đó. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ, hay nói cách khác sẽ có một số cảng được bán toàn bộ cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân. Trước đó, việc chào bán cổ phần chưa thu hút được các nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân nên chưa thành công.

Nhưng sang năm 2015, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đề xuất tham gia, phản ánh rõ hướng đầu tư mới vào hạ tầng cảng biển. Cụ thể, đối với cảng Quảng Ninh, Tập đoàn T&T đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị mua lại toàn bộ số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại đây, và cam kết phát triển kinh doanh cảng theo đúng định hướng của cơ quan quản lý.

Giám đốc Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh Bùi Quang Đạo cho rằng, trước đây, việc thực hiện IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của nhiều cảng biển hầu như không tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược, nhưng nay đã được nhiều đơn vị quan tâm. Tuy nhiên, các cảng biển được cổ phần hóa cũng cần nhà đầu tư có trách nhiệm, tâm huyết với lĩnh vực mình đầu tư vào, vì như vậy mới hoạch định được kế hoạch phát triển phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sau cổ phần hóa, ổn định tư tưởng, đời sống người lao động.

Các cơ chế chính sách hiện đang được cải cách, tạo sự thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, dù cần số vốn rất lớn để có thể sở hữu các cảng biển, song danh sách nhà đầu tư trong nước ngày càng tăng và trở thành làn sóng lớn. Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật, kinh doanh cảng biển là lĩnh vực thu lợi nhuận tốt, khi năm qua tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống cảng biển cả nước lên tới 14%.

Các cảng của Vinalines quản lý là các cảng tốt nhất trong cả hệ thống, song tăng trưởng lại thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình, chỉ đạt 3% trong năm 2014. Do đó, cần ủng hộ việc bán các cảng này cho tư nhân, nhất là nhà đầu tư trong nước hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Để cho tư nhân làm sẽ giúp thay đổi cách quản trị các cảng biển, sinh lời lớn hơn và tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội - ông Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Gần đây, Công ty Cổ phần Vinpearl, thuộc Tập đoàn Vingroup đã được chấp thuận mua lại toàn bộ số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của Vinalines tại cảng Nha Trang. Và tại phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh vào ngày cuối cùng của năm 2014 đã thu hút 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán.

Đây là những ví dụ mới nhất để chứng minh cho sức hấp dẫn của các cảng biển với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nắm bắt cơ hội này, Bộ Giao thông - Vận tải đang tập trung thực hiện quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển trên cả nước, sau khi quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

>> Đằng sau việc các đại gia nhảy vào cảng biển

Theo Hà Nho

Cùng chuyên mục
XEM