Hàng nội trước nguy cơ mất thị phần

26/08/2014 09:54 AM |

Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, cùng với hàng loạt hiệp định thương mại được kí kết, hệ thống phân phối nước ngoài và hàng hóa ngoại nhập sẽ có thêm nhiều cơ hội vào Việt Nam...

Lo ngại “cuộc đổ bộ” của hàng ngoại

Ngay sau khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Cash & Carry ở Việt Nam của Metro Group (Đức), các chuyên gia trong nước đã bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ hàng Thái sẽ ồ ạt tràn vào và đánh bật hàng Việt.

Hàng hóa Trung Quốc chiếm đa số trong chợ Đồng Xuân, chợ lớn nhất Hà Nội. Ảnh: Hoàng Dương

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế TƯ, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, việc doanh nhân Thái mua lại Metro có thể gây ra một số hệ quả đối với hàng Việt. "Có thể, họ sẽ tận dụng quyền sở hữu của mình để đưa nhiều hàng Thái Lan vào và đẩy hàng hóa của Việt Nam ra. Đó là nguy cơ có thực", ông Doanh nói.

Mối lo hàng Thái xâm nhập thị trường nội địa không phải bây giờ mới có. Tháng 6 năm ngoái, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam. “Ngay sau đó, tỷ lệ hàng Thái đã tăng lên 70%, trong khi trước đó, hàng Việt chiếm 70% trong chuỗi bán lẻ này”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết.

Thực tế, Thái Lan ở rất gần Việt Nam. Với hệ thống giao thông thuận lợi, cùng nhiều ưu đãi thuế quan, khả năng rất cao là hàng hóa Thái Lan được chuyên chở đến TP Hồ Chí Minh rồi sau đó là Hà Nội. Theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, người tiêu dùng trong nước vốn có tâm lý thích dùng hàng Thái vì chất lượng tốt, nên bây giờ, nếu như hàng Thái Lan tràn ngập thị trường thì đó sẽ là mối lo lớn cho hàng Việt.

Không chỉ các chuyên gia lo lắng mà ngay các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh cũng có phần e ngại trước động thái Metro Việt Nam bị người Thái mua lại. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, hệ thống Metro ít bán hàng dệt may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Nay, có thể hàng dệt may trong Metro sẽ còn ít hơn nữa do chủ Metro sẽ đưa hàng Thái vào”, ông Trường lo lắng.

Dệt may là một trong những mặt hàng chịu nhiều sức ép cạnh tranh với hàng ngoại. Hàng may mặc xuất xứ Trung Quốc mặc dù có chất lượng thấp hơn so với hàng Việt Nam nhưng vẫn đang chiếm lĩnh khắp các chợ lẻ, chợ buôn, các cửa hàng bán lẻ từ ngõ ngách đến phố lớn tại thị trường trong nước. Mấu chốt để hàng Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn chính là ở mẫu mã đa dạng và giá rẻ. Bên cạnh đó, còn lý do khác là các DN dệt may Việt Nam đã đánh mất hệ thống phân phối hàng dệt may trong nhiều năm.

Tại chợ Đồng Xuân, đầu mối cung cấp hàng hóa lớn của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng Việt. Với hơn 2.300 hộ kinh doanh, riêng mặt hàng vải sợi, may mặc chiếm 2/3 số lượng quầy hàng và đa phần là hàng Trung Quốc bán buôn theo từng lô hàng chuyển đi khắp các tỉnh, thành. Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân, trước đây, quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 80% hàng tại chợ. 7 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 60% nhưng vẫn là con số khá lớn.

Liên kết chặt giữa sản xuất và phân phối

Khi tâm lý tiêu dùng của người dân đã có xu hướng tiêu dùng hàng Việt, theo các chuyên gia kinh tế, các DN sản xuất, phân phối trong nước cần tận dụng cơ hội này để hàng Việt đến gần hơn với người Việt.

Hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng được người tiêu dùng trong nước yêu thích. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đối với các DN sản xuất, theo ông Vũ Vinh Phú, các DN nhỏ Việt Nam vốn ít, công nghệ kém như những “con thuyền nan” cần phải liên kết lại để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các DN Việt Nam. Đồng thời, khâu sản xuất và khâu phân phối phải được quản lý theo chuỗi để giảm chi phí trung gian, ổn định nguồn hàng.

Mặc dù cũng có nhu cầu buôn bán hàng Việt nhiều hơn nhưng các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho biết, khó khăn hiện nay đối với bà con là chưa tiếp cận trực tiếp được đầu vào của hàng Việt mà phải thông qua nhiều khâu trung gian nên giá bị đội lên cao.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các DN lớn trong nước dường như chưa thực sự mặn mà với việc cung cấp hàng vào các chợ truyền thống, bởi họ thường có các đơn hàng lớn xuất khẩu ra nước ngoài, so với việc tiêu thụ ở thị trường trong nước thì việc này dễ hơn nhiều. “Tại các chợ truyền thống, do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và tiềm lực tài chính không lớn nên những đơn hàng rất đặc thù. Ví dụ, với mặt hàng giầy dép, mỗi mã hàng chỉ có thể đặt từ 5 đến 10 đôi, lớn hơn là 20 đôi của Việt Nam sản xuất. Các tiểu thương có xu hướng nhập lô hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều mà mẫu mã lại đa dạng hơn”, bà Loan phân tích.

Để liên kết được sản xuất và phân phối hàng hóa, việc xây dựng hạ tầng thương mại là rất quan trọng. “Trước hết phải quy hoạch tốt. Đâu là đại siêu thị, đâu là chợ đầu mối, đâu là trung tâm thu mua dự trữ phải thật rõ ràng, khoa học. Phải có cơ chế phát triển các sàn giao dịch, sở giao dịch mua bán minh bạch. Hiện nay, do mua bán không minh bạch nên người sản xuất bị ép giá và người tiêu dùng bị thiệt”, ông Phú đề xuất.

Mặt khác, để hàng Việt đến gần hơn với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu biên giới, theo TS Nguyễn Minh Phong, các địa phương phải giúp DN và người bán hàng vận chuyển hàng Việt lên vùng biên giới với giá rẻ nhất, hỗ trợ về mặt thuế quan để hàng Việt được bán một cách thường xuyên.

Ngoài ra, ông Phong cũng cho rằng, hệ thống kho bãi, cửa hàng kinh doanh hàng Việt cần được xây dựng nhiều hơn tại các khu vực này.

Ông Vũ Vĩnh Phú kiến nghị, trên phương diện quản lý nhà nước, cần xem xét lại các chính sách thuế để hỗ trợ nhiều hơn cho DN phân phối trong nước. “Thuế tiêu dùng hiện quá cao, ở mức 10%, nên giảm đi một nửa trong bối cảnh sức mua còn yếu như hiện nay”, ông Phú nói

>> Tham vọng của người Thái lớn đến đâu?

Theo Hoàng Dương - Thu Hồng

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM