'Hàng khủng' Vietnam Airlines sắp ra thị trường
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố giá trị của Vietnam Airlines (VNA) hơn 2,7 tỉ USD. Dự kiến vài ngày nữa, VNA sẽ trình Chính phủ phương án cổ phần hóa (CPH).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Minh - tổng giám đốc VNA - nói:
Ông Phạm Ngọc Minh - Ảnh: L.Nam |
Giá trị doanh nghiệp của VNA để CPH theo quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT được tính theo sổ sách kế toán tại thời điểm 31-3-2013 là hơn 57.156,5 tỉ đồng (tương đương 2,744 tỉ USD), trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 10.576,3 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá trị doanh nghiệp được xác định lại tại thời điểm 31-12-2013 bằng phương pháp khác do liên danh nhà thầu Morgan Stanley và Citigroup thực hiện là 57.047,8 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 23.493,9 tỉ đồng.
* Dự kiến khi nào VNA sẽ tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường)?
- VNA đang gấp rút hoàn thành phương án CPH để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong vòng một tháng sau thời điểm được công bố giá trị doanh nghiệp.
Các nội dung của phương án CPH gồm tỉ lệ bán trong và ngoài nước; phương thức bán, giá bán và kế hoạch chiến lược của VNA sau cổ phần hóa. Ngay sau khi phương án này được phê duyệt, IPO trong nước sẽ được tiến hành trong thời hạn ba tháng dưới sự tư vấn của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN.
Quá trình bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ được diễn ra song song do hai đơn vị tư vấn tài chính quốc tế là Morgan Stanley và Citigroup thực hiện.
Dự kiến VNA sẽ chuyển đổi thành công ty cổ phần vào ngày 1-1-2015.
* Tiêu chí chọn đối tác chiến lược của VNA trong thời gian tới là gì, tỉ lệ tham gia của các đối tác chiến lược mà VNA mong muốn là bao nhiêu, thưa ông?
Sau khi phê duyệt giá trị doanh nghiệp, trong vòng hai tuần VNA đã tổ chức hội nghị người lao động để thông tin phương án CPH. Đến giờ phút này người lao động đã đăng ký mua cổ phần của VNA với tổng số tiền trên 360 tỉ đồng. |
- Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của VNA là phải đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của VNA. Chúng tôi mong đối tác chiến lược sẽ đồng hành cùng với VNA trong quá trình phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ trên nhiều phương diện kỹ thuật và quản trị để VNA có thể tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Dự kiến cổ đông chiến lược có thể là một đối tác hàng không hoặc là nhà đầu tư tài chính với số lượng tối đa không quá ba, ưu tiên cổ đông chiến lược là tập đoàn/hãng hàng không và chỉ lựa chọn một hãng hàng không.
VNA sẽ lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở đánh giá về năng lực tài chính, quan hệ đầu tư với VN, cam kết dài hạn, kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực hàng không đối với nhà đầu tư tài chính và với tập đoàn/hãng hàng không sẽ xem xét về sản phẩm, mạng bay, dịch vụ, thương hiệu, kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật hàng không. Hiện chưa có thông tin chính thức về cơ cấu vốn điều lệ và tỉ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược vì điều này phụ thuộc vào phương án CPH được phê duyệt.
* Theo ông, đâu là những lợi thế của VNA trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược?
- Sức hấp dẫn của cổ phiếu hãng hàng không không nằm ở cổ tức mà nằm ở bản thân giá trị của cổ phiếu giao dịch.
Ở VN, các doanh nghiệp như VNA không nhiều và nhà đầu tư cũng nhìn thấy những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn. VNA là hãng hàng không lớn nhất VN với đội bay hiện đại, cơ cấu tương đối đồng bộ, ít chủng loại.
Năm 2015, VNA là hãng hàng không đầu tiên trong khu vực đồng thời có hai loại máy bay hiện đại nhất thế giới A350-900 và B878-9. Tính đến tháng 5-2014, VNA có mạng bay quốc tế và khu vực nối chuyến thuận tiện qua các cửa ngõ Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng với 93 đường, gồm 53 đường bay quốc tế và 40 đường bay nội địa.
Đặc biệt, thị trường hàng không nội địa VN cũng được đánh giá rất tiềm năng. Với vị trí đứng thứ ba về dân số nhưng lại đứng thứ năm về vận tải nội địa trong khu vực ASEAN, với lượng ghế cung ứng trung bình mới chỉ đạt 5,4 người dân/ghế, thấp hơn với quốc gia xếp vị trí liền kề là Philippines hiện đang là 3,2 người dân/ghế.
Chính phủ VN đang thực hiện lộ trình tự do hóa vận tải hàng không và rất khuyến khích sự phát triển của ngành này theo hướng các hãng hàng không đang ngày một có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển của mình.
* Cá nhân ông mong muốn cổ đông chiến lược sẽ được mua bao nhiêu phần trăm cổ phần của VNA?
- Từ 15-20% trong giai đoạn đầu tiên. Tôi kỳ vọng sau khi đã tham gia quá trình điều hành VNA, họ sẽ tiếp tục tham gia với mức cao nhất mà luật cho phép, quy định hiện nay là 30%.
>> IPO Vietnam Airlines: Bất ngờ báo lãi gần 480 tỷ trong quý I