Giảm 70% thuế, từ 2014 có ôtô giá 300 triệu đồng
Công ty Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số chính sách giúp DN ô tô tăng quy mô sản xuất các dòng ôtô chiến lược gồm các loại xe 8 chỗ cho thị trường nông thôn, kinh doanh vận tải taxi… và đẩy mạnh quá trình nội địa hóa các dòng sản phẩm.
Theo đó, đề nghị giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1/1/2014 cho các dòng xe chiến lược có tỷ lệ nội hóa cao do trong nước sản xuất.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, hiện các mẫu xe chở người 5-7 chỗ đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% với toàn bộ khung vỏ, gầm bệ tự sản xuất được cùng với việc mua các linh kiện nội thất như: ghế ngồi, chi tiết nhựa, săm, lốp của một số DN tại Việt Nam.
Đây không phải là đề xuất mới. Thực tế, hiện Bộ Công thương cùng với các bộ ngành liên quan đã xây dựng "Đề án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".“Với tỷ lệ nội địa hóa này, DN mong muốn được ưu đãi sớm để mở rộng thị trường, thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển”, ông Huyên nói.
Theo đó, những xe mẫu xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, có dung tích xi lanh dưới 2.0L, có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên sẽ được hưởng ưu đãi, giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ so với các dòng xe khác.
Tuy nhiên, Đề án này hiện đang trình Chính phủ và chưa được ban hành. Hơn nữa theo nghị trình, đến kỳ họp cuối năm 2014, Quốc hội mới xem xét, thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung, sửa đổi.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng để khuyến khích các DN nhanh chóng đẩy mạnh nội đại hóa, trong khi thời điểm hội nhập AFTA đến gần thì DN nào đạt được tỷ lệ nội địa hóa cao cần ưu đãi ngay.
200 – 300 triệu có xe ô tô đi
Quan điển giảm thuế cho các loại xe nội địa hóa cao thuộc dòng xe chiến lược được nhiều Bộ ngành như Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư... bày tỏ quan điểm ủng hộ.
Hiện tại thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô 6 - 9 chỗ ngồi là từ 45% - 60%, tùy theo dung tích xi lanh. Trong đó, dòng xe 6 - 9 chỗ có dung tích xi lanh dưới 2.0L có thuế suất 45%, loại từ 2.0 L đến 3.0L có thuế suất 50% và trên 3.0L có thuế suất 60%.
Theo các DN, các mức thuế này được cho là đánh đồng tất cả, không có khuyến khích với những DN ô tô sản xuất, sử dụng nhiều linh kiện trong nước.
Nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất trên thì ngay từ 1/1/2014 Việt Nam sẽ có những mẫu xe đầu tiên trong dòng xe chiến lược được tung ra thị trường.
Theo các DN sản xuất lắp ráp ô tô, khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 70% thì những chiếc xe sử dụng khung gầm nội thất trong nước, lắp động cơ 1.5L (tiêu chuẩn EURO 4) và hộp số nhập khẩu từ Nhật Bản có giá bán chỉ khoảng 330 triệu đồng, còn lắp động cơ Nhật Bản sản xuất tại Thái Lan, Trung Quốc có giá khoảng 310 triệu đồng.
Tương tự với những xe lắp động cơ 1.1L của Nhật sản xuất tại Nhật có giá bán khoảng 180 triệu đồng, của Nhật sản xuất tại Thái Lan, Trung Quốc có giá 160 triệu đồng, sẽ đáp ứng nhu cầu về ô tô cho các khách hàng vùng nông thôn, DN sử dụng làm taxi và những người có thu nhập trung bình tại các thành phố, không đủ tiền mua xe thương hiệu ngoại. Điều này sẽ giúp DN gia tăng sản lượng tạo điều kiện để phát triển công nghiệp ô tô.
Theo tính toán của các DN, đến 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực Asean về Việt Nam giảm còn 0% thì giá xe nhập khẩu với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ giảm khoảng 20% so với giá hiện nay. Khi đó, giá xe lắp ráp trong nước được cho là cao hơn giá xe nhập khẩu khoảng 1,2 lần. Xe trong nước chỉ có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu khi được ưu đãi, giảm mạnh các loại thuế phí.
Tuy nhiên để được hưởng ưu đãi cao như vậy, tỷ lệ nội địa hóa phải cao. Muốn sản xuất được toàn bộ khung vỏ xe, DN phải đầu tư lớn, phải có các máy dập chi tiết thân vỏ xe từ 300 - 1.200 tấn, phải có khuôn mẫu với chi phí hàng chục triệu USD/ bộ, phải có hệ thống các máy cắt CNC, cắt lade hiện đại... Điều này không hề dễ với nhiều DN ô tô hiện nay.
Mặc dù cho ra đời những mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao, giá rẻ, nhưng vấn đề đặt ra là các sản phẩm này liệu có được thị trường chấp nhận?. Người Việt Nam quen sử dụng ô tô thương hiệu CHLB Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hàn quốc, xe Trung Quốc vào Việt Nam cũng không thể tồn tại được, thì xe Việt Nam với các thương hiệu yếu sẽ cạnh tranh như thế nào?
Không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng, phải tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay. Như thế, ngoài sản xuất xe giá rẻ, các DN cần đẩy mạnh đầu tư vào những công nghệ hàng đầu để đưa ra những mẫu xe có chất lượng cao như cách mà Hyundai, Kia (Hàn Quốc) đã từng làm trước đây.
Giám đốc một DN ô tô cho rằng, “nếu Chính phủ tăng ưu đãi cho sản xuất trong nước chắc chắn ô tô Việt Nam không chỉ có xe giá rẻ mà có cả những mẫu xe chất lượng cao có thể cạnh tranh với xe ngoại trong tương lai không xa”.
Theo Trần Thủy