Giá gà Việt Nam cao khủng khiếp

22/08/2015 09:43 AM |

TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gà Việt Nam chỉ ra thực trạng về ngành chăn nuôi gà của nước ta đang phát triển quá “nóng”, giá gà cao khủng khiếp

Ông Sơn cũng đề ra một loạt giải pháp cho phát triển ngành chăn nuôi gà của Việt Nam nhất là trong bối cảnh thị trường trong nước đang phải đối mặt với đùi gà Mỹ nhập khẩu có giá bán rẻ như rau.

Giá gà Việt Nam cao khủng khiếp

Sáng 21/8, Hội nghị phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020 của Bộ NN&PTNT đã “nóng” lên.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Hội nghị phải đưa ra khoảng 10 giải pháp trọng tâm cho ngành chăn nuôi gà của Việt Nam.

Ông Phát cho hay, bộ đã đặt hàng Cục Chăn nuôi cả năm nay nhưng chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản như chất lượng đàn giống kém, giảm chi phí chăn nuôi, tìm đầu ra cho con gà Việt Nam…

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho hay, tổng đàn gia cầm nói chung những năm vừa qua có xu hướng tăng liên tục, gà nuôi tập trung ở phía Bắc, chăn thả rông là chủ yếu, chi phí nuôi gà quá cao, chất lượng giống thấp, thị trường cho các sản phẩm về gà phụ thuộc thương lái là chủ yếu, thông tin dự báo thị trường giá cả còn kém…

Gay gắt hơn, dẫn lại câu chuyện về đùi gà Mỹ rẻ như rau, TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, các nhà quản lý, doanh nghiệp phải thống nhất nhìn nhận vấn đề ngành chăn nuôi gà đang đứng ở đâu trên thị trường thế giới để xác định và tìm lối ra như thế nào.

Theo ông Sơn, Việt Nam đang có sự bùng nổ quá nóng về đầu con và sản lượng gà. Ngành chăn nuôi gà của thế giới tăng trường 3,7% còn ta tăng tới 9,7% dẫn tới khủng hoàng thừa là tất yếu. Do vậy, ngành chăn nuôi gà phải có định hướng khác.

Trong khi đó, năng suất gà Việt Nam tuy có cải thiện nhưng thấp hơn so với bình quân của thế giới. Việt Nam phải mất từ 49-51 ngày mới nuôi được con gà đạt 2,2 kg, tỷ lệ này ở thế giới là 31 ngày. "Đó là tỷ lệ nuôi công nghiệp, chứ nuôi trong dân thì còn thấp kinh khủng hơn đã dẫn tới việc đẩy giá thành gà của Việt Nam cao khủng khiếp"- ông Sơn nói.

Giá thành cao còn do phần lớn thức ăn chăn nuôi, thú y cho gà đều nhập khẩu.

Chăn nuôi gà chủ yếu theo số lượng, thúc đẩy tiêu thụ nội địa là chính mà không hướng tới xuất khẩu… (ảnh: Thái Linh)

Đáng lưu ý, trong chuỗi lợi nhuận từ con gà công nghiệp, ông Sơn cho hay, người chăn nuôi gà chỉ hưởng lợi 5%, còn lại 20% là thương lái, 33% là người bán. "Chỉ có người nuôi gà lông màu thì hưởng lợi cao hơn chút nhưng cũng chỉ khoảng 6%"- ông Sơn nói và cho rằng đây là bất cập cực lớn.

Một vấn đề khác, ông Sơn chỉ ra, chúng ta chăn nuôi gà chủ yếu theo số lượng, thúc đẩy tiêu thụ nội địa là chính mà không hướng tới xuất khẩu…

Ngoài ra, không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà các nước cũng đang diễn ra cuộc khủng hoảng thừa ở các sản phẩm nông nghiệp như thịt lợn, sữa, chứ không riêng gì con gà.

Về sản phẩm đùi gà Mỹ đang “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt, ông Sơn cho hay, trong buổi làm việc chiều ngày 20/8 với một đại diện Hiệp hội sản xuất các sản phẩm từ gà của Mỹ, vị này cho hay, Nga đang cấm vận Mỹ nên các sản phẩm của gà không tiêu thụ được tại thị trường này. Ngoài ra, do dịch cúm gà tại Mỹ, 30 nước đã dừng nhập khẩu sản phẩm gà.

"Ông ấy tuy không nói rằng, gà Mỹ nhập về Việt Nam rẻ là do các lý do trên, nhưng tôi ngầm hiểu được rằng, do gà Mỹ đang khó tiêu thụ, dư thừa. Ngoài ra, không loại trừ có các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam gian lận thương mại nên đùi gà Mỹ mới bán rẻ như vậy" - ông Sơn nói.

Liệu có gian lận thương mại nhập khẩu gà

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của thị trường gà thế giới và Việt Nam, ông Sơn cho hay, định hướng tới năm 2020, thế giới dự báo tăng trưởng gà chỉ là 1,9%/năm nên Việt Nam cần tính tới tăng trưởng bền vững chứ không phải vì số lượng, đặc biệt là không phát triển gà trắng công nghệp nữa. Cục Chăn nuôi dự định sẽ duy trì tốc độ phát triển đàn gà từ 3,5-4,5%/năm.

Thay vào đó, phát triển các sản phẩm gà có chất lượng và hướng tới thị trường xuất khẩu như trứng gà chất lượng cao. Đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, tránh thả nổi như hiện nay, chọn tạo phát triển giống gà thả vườn để tìm phân khúc thị trường khác còn gà công nghiệp theo ông Sơn là đã bế tắc về thị trường.

Ông Sơn cũng yêu cầu cơ quan chức năng quản lý tìm ra các biện pháp tránh gian lận thương mại, làm rõ xem có tình trạng doanh nghiệp Việt thông đồng với phía xuất khẩu Mỹ để làm giá đùi gà hạ.

Cùng quan điểm trên, một đại diện doanh nghiệp gà tại Đồng Nai cũng đề nghị Bộ NN&PTNT can thiệp làm rõ nguyên nhân gà nhập khẩu rẻ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu ức gà sang các quốc gia khác.

Về chất lượng gà nhập khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y phải lấy nhiều mẫu gà nhập khẩu hơn, áp dụng phương pháp phân tích đa dư lượng để tìm tồn dư chất cấm.

Đồng thời yêu cầu các cơ quan giám sát chặt chẽ các công ty nhập khẩu gà sang Việt Nam về xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩmg. "Giao cho Cục Thú y điều tra, báo cáo rõ lại việc này để người dân yên tâm. Ở trong nước, Bộ Công Thương đang kiểm tra xem có việc chống bán phá giá đùi gà Mỹ hay không…" - ông Phát nói.

Theo Thái Tùng

Cùng chuyên mục
XEM