Giá đường Việt Nam cao nhất thế giới

15/07/2014 20:40 PM |

Nhiều nhà máy đường đóng cửa, nông dân phải đốn mía trồng cây khác, song ngành mía vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả.

Hơn 200 khách mời (gồm các tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới từ Mỹ, Úc, Israel, các doanh nghiệp (DN), chuyên gia…) đã cùng tham dự Hội thảo nông nghiệp quốc tế chủ đề Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho nông dân do Tập đoàn Thành Thành Công tổ chức ngày 14-7 tại TP.HCM.

Lợi nhuận từ mía: Thái Lan gấp bốn Việt Nam

Nhiều DN thua lỗ, nhiều nhà máy đường đóng cửa vì giá sản xuất cao hơn cả đường lậu. Lượng đường tồn kho khổng lồ, còn người nông dân phải chặt mía trồng cây khác vì không có lợi nhuận. Đó là những tồn tại của ngành mía đường Việt Nam nhiều năm trở lại đây mà ngành vẫn chưa tìm được giải pháp khắc phục hiệu quả.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, chỉ ra là do giá thành sản xuất cao khiến giá đường Việt Nam đang cao nhất thế giới (nếu không tính Trung Quốc). Nghịch cảnh của ngành mía đường là mặc dù giá đường cao, sản lượng đường đều tăng qua từng năm, công suất tiêu thụ các nhà máy cũng tăng liên tục nhưng năng suất, chữ đường (lượng đường trong mía) và lợi nhuận thu về lại thấp hơn nhiều so với thế giới.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết năng suất mía nước ta chỉ đạt khoảng 62 tấn/ha, trong khi thế giới đạt trên dưới 120 tấn/ha. Chữ đường trong cây mía của Việt Nam cũng kém hơn các nước khi năng suất đường chỉ ở mức 5,4 tấn/ha, cách khá xa Thái Lan (hơn tám tấn/ha), Úc (gần 12 tấn/ha).

“Nếu so sánh với Thái Lan, sẽ thấy vùng trồng mía Đông Nam Bộ của nước ta còn nhiều điểm bất hợp lý trong chi phí sản xuất, chế biến mía đường. Các chi phí cần giảm thì lại tăng cao như chi phí phân bón, tiêu tốn 15 triệu đồng/ha còn Thái Lan chỉ 10 triệu đồng/ha; chi phí thuê đất cũng gấp đôi, chi phí vận chuyển rồi lãi vay cũng cao hơn. Trong khi đó những chi phí đáng đầu tư nhiều hơn như thu hoạch, tưới tiêu, làm đất giúp tăng năng suất, chất lượng mía thì Việt Nam lại “tiết kiệm” hơn Thái. Chính điều này đã dẫn đến giá đường Việt Nam cao hơn thế giới nhưng lợi nhuận thu về lại thấp hơn” - ông Lộc dẫn chứng.

Học Mỹ, Úc cách trồng mía

Theo GS Võ Tòng Xuân,  DN ngành mía đường phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, giảm chi phí đi đôi với tăng năng suất thì mới tăng được tính cạnh tranh ngay trên sân nhà trước tình trạng đường nhập và đường lậu tràn lan. Nếu Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu với thế giới thì ngành mía đường phải thay đổi ngay từ cách sản xuất. Hiệu quả mà các nước trồng mía trên thế giới có được không chỉ nhờ kỹ thuật hiện đại mà nhờ vào những biện pháp canh tác hết sức đơn giản.

Ông Luis Enrique Rodriguez, Giám đốc Marketing toàn cầu của John Deere, tiết lộ có hai kỹ thuật canh tác rất dễ thực hiện mà tác động lớn đến năng suất chất lượng cây mía ở vùng trồng mía bang Louisiana (Mỹ). Đó là không nên đốt lá mía theo quan niệm làm phân vì khi đốt khiến chất hữu cơ bị cháy không có tác dụng tốt cho cây mà nên để lá vùi trong đất. Thứ hai, giữa hai hàng mía ở Mỹ người ta sẽ trồng xen hai hàng đậu nành. Việc làm này giảm được một nửa lượng nước tưới, một nửa lượng phân bón mà năng suất mía vẫn đạt 100%. Cây đậu nành sẽ cung cấp một lượng đạm cho đất, giúp đất tơi xốp giữ được nước và phân.

Ông Hyatt Thomas James, Giám đốc dự án Toàn cầu phụ trách về tưới phun của Úc, cũng đã chia sẻ về nhiều mô hình tưới tự vận hành để giảm chi phí sản xuất mía tại vùng Queesland. Hệ thống tưới quét vòng tròn sẽ đáp ứng mọi địa hình thậm chí đất dốc của vùng trồng ở Việt Nam. Theo ông Hyatt Thomas James, Việt Nam cần thiết lập những vùng trồng mía tập trung, kêu gọi nông dân liên kết để áp dụng hiệu quả những ứng dụng khoa học kỹ thuật này. Chính phủ cũng như DN cần có những quỹ hỗ trợ cho nông dân vay vốn sản xuất và giúp họ ứng dụng tốt công nghệ canh tác hiện đại.

>> Ngành đường sẽ 'ngọt' nhờ M&A

Theo Quang Huy

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM