“Đừng ảo tưởng Thánh Gióng với tốc độ tăng trưởng GDP”

09/09/2015 06:32 AM |

Khi nhìn thẳng vào “góc khuất”, hầu hết các chuyên gia đều mong muốn hướng tới một cuộc cải cách mạnh mẽ...

Dồn dập tại các diễn đàn kinh tế gần đây, giới chuyên gia kêu gọi nhìn thẳng vào góc khuất thành tích tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Nhìn vào “góc khuất” của lịch sử thành tích tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Việt Nam, nguyên Phó bí thư Thành ủy Tp.HCM, nguyên Phó ban Kinh tế Trung ương, ông Phạm Chánh Trực cho rằng, từ nền sản xuất nhỏ và nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trước đây được cơ chế mới mở ra đột ngột theo kinh tế thị trường.

Theo đó, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bung ra ồ ạt, trong khi nhà nước chưa kịp chuẩn bị cơ chế điều hành quản lý thích hợp, hệ thống luật pháp chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn kinh tế xã hội, cán bộ nhà nước chưa đủ kinh nghiệm quản lý, cơ chế kiểm tra giám sát và chế tài chưa hiệu quả ...

“Kết quả là các thành phần kinh tế phát triển theo bản năng, theo lợi ích cục bộ bản vị của mình. Nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh nhưng tính chất tự phát dữ dội, làm thay đổi, lấn át nhiều giá trị xã hội và đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Trực bình luận

Đừng nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP để có ảo tưởng mình là Thánh Gióng”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên nêu quan điểm. “Nền kinh tế chưa có đẳng cấp, công nghiệp nặng về phi công nghệ, nông nghiệp dịch chuyển cơ cấu theo kiểu đèn cù tít mù chạy vòng quanh, năm nào cũng chặt cây, thay con”

GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo) thấy rằng, đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Nhưng so với thời gian 30 năm, so với tiềm năng, kể cả những thời cơ thuận lợi bị bỏ lỡ và so với kinh nghiệm của các nước Đông Á thì thành quả của đổi mới rất hạn chế.

Nền kinh tế hiện nay có những yếu kém như sức cạnh tranh của nền công nghiệp yếu, mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa còn rất xa, phát triển công nghiệp ngày càng dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc.

Nhìn vào những vấn đề có tính cách cơ cấu, ở bình diện rộng và lâu dài, ta thấy Việt Nam đang trực diện nhiều thách thức lớn, ảnh hưởng đến hướng phát triển trong giao đoạn tới”, GS Thọ nhận định. “Những thách thức đó cho thấy Việt Nam không còn nhiều thời gian. Không khẩn trương có chiến lược phát triển thích đáng thì sẽ rơi vào trì trệ lâu dài”

Những thách thức lớn mà vị chuyên gia này đề cập đến là nguy cơ chưa giàu đã già, FDI có thể dẫn đến nguy cơ phân hóa nền kinh tế thành hai khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước và khả năng mắc vào bẫy thu nhập trung bình ở cấp thấp.

Tiến trình đổi mới kinh tế Việt Nam 30 năm đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Trong vòng 30 năm, dân số Việt Nam tăng lên gấp rưỡi nhưng quy mô GDP đã tăng 6,3 lần (tính theo VND, giá 2010) hay 6,6 lần (tính theo USD, giá 2005), là các con số được PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển nêu ra.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra một loạt thách thức như tốc độ tăng GDP đang giảm dần qua mỗi 5 năm kể từ đầu những năm 1990 nhưng không được bù đắp bằng sự gia tăng về chất. Chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đều có mức cải thiện không đáng kể…

Khi nhìn thẳng vào “góc khuất”, hầu hết các chuyên gia đều mong muốn hướng tới một cuộc cải cách mạnh mẽ cho bộ máy nhà nước và kết quả của cuộc cải cách này phải được xem như một tiêu chí nữa để “luận anh hùng” trong điều hành phát triển đất nước.

Để vượt qua các thách thức và để Việt Nam có một vị trí xứng đáng trên vũ đài thế giới, cần cấp bách thực hiện mũi đột phá là cải cách bộ máy hành chính. Không giải quyết mũi đột phá này thì không thể thực hiện thành công các chiến lược, chính sách phát triển lâu dài. Đó là quan điểm của GS. Trần Văn Thọ.

“Hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước các cấp của ta rất yếu”, GS.TS Lê Du Phong nhận định, “đây là vấn đề nhức nhối, trực tiếp cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nếu không kiên quyết chấn chỉnh, thì mọi mong muốn vẫn chỉ là mong muốn mà thôi”

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, “phải cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ dân tốt hơn, sát dân hơn, Chính phủ phải lo được cho dân. Chính quyền phải phục vụ dân thế nào để được lòng dân, vì mất dân là mất tất cả”

Người đứng đầu Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giám sát của người dân, doanh nghiệp và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn rằng công cuộc cải cách sẽ có bước đột phá trong thời gian tới.

Theo Mai Lê

Cùng chuyên mục
XEM