Gánh hàng rong có ích nước, lợi nhà?

10/12/2013 08:41 AM |

Kinh doanh vỉa hè tuy mất mỹ quan đô thị nhưng lại là kế mưu sinh của hàng chục vạn người. Khắc phục thế nào?

Gần đây dư luận vô cùng phẫn nộ về vụ Trật tự đô thị đánh người bán hàng rong đến ngất xỉu, và có nhiều bài báo phản đối việc “cấm kinh doanh vỉa hè”. 

Để trả lời cho vấn đề này này, trước hết chúng ta cần biết việc bán rong liệu có lợi cho đất nước không và nếu cấm thì nên thực hiện thế nào cho hợp lý?

Việc bán hàng rong có mang lại lợi ích cho đất nước?

Hầu hết các địa phương (quận, huyện) đều thừa nhận sự tồn tại của kinh tế vỉa hè như một thực tế khách quan - khi mà nó vẫn còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của bộ phận dân cư thành phố. 

Trên trang facebook của mình, nhà báo Nguyễn Vạn Phú nêu ý kiến

Kinh tế vỉa hè là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế phi chính thức. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng kinh tế phi chính thức, hiện bằng chừng 30% nền kinh tế chính thức, đóng vai trò là tấm bình phong che chắn bão tố, là tấm đệm giảm nhẹ những cơn khủng hoảng dội vào Việt Nam.

Tại các nước như Việt Nam, với giá thuê mặt bằng kinh doanh thuộc loại đắt trên thế giới, thì hình thức “kinh doanh vỉa hè” lại càng quan trọng. “Vỉa hè” nuôi sống hàng trăm ngàn người nghèo không có tiền để đầu tư cho những cơ sở vật chất cơ bản phục vụ hoạt động kinh doanh, mà có khi số tiền đó còn nhiều hơn tổng doanh thu hàng tháng.

Với Việt Nam, “kinh doanh vỉa hè” không chỉ thuộc phạm trù kinh tế mà còn thuộc phạm trù văn hóa. Nhiều Việt kiều xa quê hương lâu ngày luôn nhớ nhung cảm giác tuyệt vời được thưởng thức một món ăn dân dã trên vỉa hè. Ngay cả nhiều người  sống trong nước cũng nghiện thói quen ngồi "trà đá vỉa hè", "trà chanh chém gió". Nếu hình thức kinh doanh này bị coi là vi phạm pháp luật thì chắc nhiều người dân Việt Nam sẽ là đồng phạm.

Việt Nam cũng thu hút rất nhiều khách nước ngoài đến du lịch vì được tiếp cận với một nền văn hóa vỉa hè độc đáo (tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn chưa có thống kê nào về đóng góp của kinh doanh vỉa hè trong ngành du lịch Việt Nam). Các thành phố châu Á như Bangkok, Quảng Châu, Manila hay nước Singapore đều cho phép bán hàng lưu động trên đường phố. Hiển nhiên,  “có cầu ắt có cung”.


Nếu không có “vỉa hè”, có thể xã hội sẽ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp, kém phát triển và các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, việc bán hàng rong cũng tác động tiêu cực đến xã hội ở một số khía canh. Bán hàng rong được cho là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn giao thông, mọi người không thể đi bộ trên vỉa hè, xe máy để chiếm hết vỉa hè, ..hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây ra tai nạn giao thông. 

Hơn nữa, những người bán hàng rong cũng bị lên vì họ làm xấu cảnh quan phố xá, hoặc gây ra ô nhiễm môi trường vì những đống rác, hay thức ăn thừa không được thu dọn sau mỗi ngày kinh doanh.

Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn lợi ích quan trọng của hình thức bán rong trong nền kinh tế và văn hóa của Việt Nam, trong khi những nhược điểm của việc bán hàng rong hoàn toàn có thể khắc phục, nếu có một đường lối chính sách đúng đắn.

Khắc phục nhược điểm của việc bán hàng rong bằng cách nào?

Nhiều nước láng giềng của Việt Nam như Singapre, Trung Quốc, Thái Lan .. có những biện pháp hiệu quả để phát triển kinh tế vỉa hè. Tại những nước này họ tạo ra những trung tâm ẩm thực rải rác trên các đô thị. Ở những nơi đó, mọi người được phép tụ tập buôn bán với chi phí thuê mặt bằng cực kỳ thấp và có chỗ đậu xe. Quan trọng là, người bán được giao quyền sở hữu nên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo vệ sinh môi trường, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được quan tâm.

Vấn đề khác là việc đậu xe trên vỉa hè gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Bất kể là người để xe là khách hàng của một cửa hàng rong, hay là khách hàng của một cửa tiệm lớn, thì họ vẫn cứ để xe trên vỉa hè vì không có chỗ nào khác để, mà cũng không thể đi bộ. Mà cũng chẳng người mua hàng nào vui vẻ đưa chìa khóa cho những người trông xe đi xe của mình để tránh bị Trật tự đô thị bắt xe.

Vậy thì, trách nhiệm giải quyết lại thuộc về vấn đề quy hoạch lại đô thị. Giáo sư Phan Văn Trường, Giảng viên Đại học Kiến trúc HCM đề xuất "chính sách giãn dân là một trong những biện pháp."

Kết lại xin được dẫn lời lời của Giáo sư Phan Văn Trường: 

Nếu xã hội là một đàn chim én đang bay, thì tốc độ bay của cả đàn không phải theo con đầu đàn, mà chính là con chim cuối đàn. Xã hội không phát triển theo bước tiến của người thành đạt nhất mà chỉ tiến bộ theo nhịp của thành phần nghèo khó nhất”.

>> Những hình ảnh hiếm về ẩm thực vỉa hè Sài Thành

Thùy Đỗ

thuydtt

Cùng chuyên mục
XEM