"Hốt bạc" từ kinh doanh... vỉa hè Hà Nội

24/03/2013 09:55 AM |

Trên những vỉa hè của thành phố, nhiều người với những công việc đơn giản nhưng "hốt" bạc triệu mỗi ngày nuôi sống cả gia đình.

Nghề sửa khóa cần mẫn kiếm tiền

Đánh chìa, sửa chữa, bán khóa là công việc thường nhật của anh Nguyễn Văn Hưng trên đoạn đường Cầu Giấy – Hà Nội. 7 giờ sáng anh bắt đầu mở hàng và đón khách. Công việc của anh diễn ra suốt ngày và kết thúc vào khoảng 21 giờ tối.

 Nghề sửa khóa vỉa hè giúp anh Hưng trang trải cuộc sống.
Anh Hưng đầu tư một chiếc máy cắt chìa khóa cùng với vài chục bộ  khóa và chìa, một chiếc xe đẩy vừa để đựng hàng vừa để di chuyển đi về, rồi anh chỉ việc đứng đợi khách hàng. Thường thì khách hàng của anh là các sinh viên, những người thuê trọ hay người dân qua đường…

Theo anh Hưng, công việc này không quá vất vả mà thu nhập cũng khá tốt. Mỗi chiếc chìa khóa bình thường đánh mới giá từ 10 – 15 nghìn đồng tùy theo kích thước của khóa. Còn mua một bộ khóa mới, giá rẻ nhất cũng 30 – 40 nghìn đồng. 

Mỗi ngày khách hàng của anh Hưng có đến hàng trăm lượt, những đợt cao điểm như đầu năm học, trước và sau Tết Nguyên Đán… thì số lượng khách có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Và mỗi ngày như thế, những người làm nghề sửa chữa, buôn bán khóa như anh Hưng có thể thu được hàng triệu đồng.

Anh Tạ Ngọc Thế, sinh viên Đại học Sư phạm, một khách hàng mua khóa chia sẻ: “Có lần tôi bị mất chìa khóa mà phòng chỉ có mỗi  một chìa, đành phải ra nhờ các anh thợ khóa vào phá giúp. Lần đó tôi phải trả 100 nghìn đồng để thợ khóa phá khóa. Biết là đắt nhưng mà không phá thì mình không thể vào được phòng”.

Bán bánh cũng hốt bạc

Các khu vực cổng trường đại học, trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội thường xuất hiện những người đi bán các loại bánh, quà vặt dành cho các đối tượng học sinh, sinh viên. Các món đồ ăn nhanh – gọn – rẻ này lúc nào cũng thu hút đông đảo khách hàng của mình.

Chị Đỗ Thắm, sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: “Sau giờ tan học mình thường chờ xe buýt ở trạm trung chuyển. Vừa đói vừa mệt, mình hay tranh thủ vào chỗ các cô bán bánh ăn tạm rồi về”.

Nhiều người lao động từ ngoại thành hoặc các tỉnh về Hà Nội để bán bánh, quà vặt dạo.
Mỗi chiếc bánh rán có giá 4000 đồng, bánh mỳ từ 3000 đồng đến 15.000 đồng, bán khúc giá 8000 đồng… đem lại cho người bán nguồn thu khá cao mỗi ngày.

Theo chị Hoa, một người chuyên bán bánh rán ở trạm trung chuyển xe buýt gần Đại học Giao thông Vận tải cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 80 đến 100 cái bánh các loại. Giờ cao điểm bán được nhiều là lúc tan tầm, khi mà các bạn trẻ vừa kết thúc một buổi học mệt nhọc, đói bụng. Hàng ngày đi bán bánh chị Hoa kiếm được từ vài trăm nghìn tới 1 triệu đồng.

Cắt tóc vỉa hè bội thu mùa nắng

Thay vì phải thuê mặt bằng để mở shop, nhiều thợ cắt tóc lại tìm đến các vỉa hè, nơi có đông người qua lại làm địa điểm hành nghề.
 Cắt tóc vỉa hè có chi phí đầu tư không hề tốn kém.
Đó là công việc mà anh Tuấn, quê ở Nam Định lựa chọn. Anh đã học mấy tháng nghề ở một trung tâm đào tạo thợ cắt tóc, sau đó do chưa đủ vốn nên anh không thể tự đứng ra mở một tiệm cắt tóc. Thế nhưng cái lựa chọn cực chẳng đã là ra vỉa hè cắt tóc lại khiến cho anh kiếm được khoản lợi nhuận không ngờ tới.

Mua một cái ghế chuyên dụng, kéo, lược, một cái gương to… là khoản đầu tư vừa sức đối với những thợ cắt tóc như anh Tuấn. Chi phí cho mỗi lượt cắt tóc dao động từ 30 - 40 ngìn đồng, mỗi ngày chỉ cần trên 10 vị khách là những thợ cắt tóc này thu thu về nửa triệu đồng. Vào những tháng nắng nóng thì nhu cầu khách lại càng cao, giúp cho thu nhập của thợ cắt tóc tăng lên đáng kể.

Khách hàng của những thợ cắt tóc vỉa hè là đông đảo những người lao động nghèo, những người có thu nhập thấp. Thay vì phải vào những tiệm cắt tóc với chi phí hàng trăm nghìn mỗi lần cắt tóc thì họ lựa chọn những tiệm di động vỉa hè, vừa rẻ vừa phù hợp với thị hiếu bình dân.

Sửa xe bây giờ… lãi to

Không thua kém những ngành nghề vỉa hè trên đây, công việc sửa xe ven đường cũng giúp cho nhiều anh thợ lãi to. 

Hằng ngày, những người thợ này mang đồ nghề tới các cổng trường học, các ngã ba, ngã tư lớn để phục vụ khách hàng.

Hết hơi, thủng săm, tuột xích… là những bệnh mà các xe đạp, xe máy thường gặp. Thế nhưng với phần lớn mọi người qua lại thì việc sửa chữa chiếc xe của mình trên đường là điều không tưởng. Điều đó tạo cơ hội cho các thợ sửa xe hành nghề. Nhiều thợ sửa xe cũng tận dụng cơ hội này để “chặt chém” mạnh tay.
 Ngoài những thợ sửa xe trung thực, có nhiều người tranh thủ cơ hội sửa xe để "chặt chém" khách hàng.
Em Hiền, một học sinh cấp 3, tâm sự: “Em thường đi xe đạp đi học, thỉnh thoảng xe bị hỏng lại phải nhờ đến các chú sửa xe. Mỗi lần vá xe đạp giá từ 15 – 20 nghìn đồng, bơm xe cũng hết 5 nghìn đồng, còn nếu xe bị hỏng vành, khung… thì phải mất hàng trăm nghìn. Đối với xe máy thì chi phí chữa cho những căn bệnh này thường gấp đôi”.

Với giá cả như thế, những người thợ sửa xe thu về một khoản tiền kha khá. Công việc đơn giản, không cần chi phí học nghề, không cần mặt bằng,… nơi nào có đông người qua lại thì ở đó họ dừng chân đón khách.

Theo Thanh Bình

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM