'Dù chênh lệch giá cao vẫn chưa đến lúc đấu thầu vàng'

18/11/2014 18:34 PM |

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết mặc dù mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao nhưng Ngân hàng nhà nước không cần phải đấu thầu vàng lúc này.

Ngân hàng nhà nước hiện là kênh duy nhất cung ứng vàng cho thị trường. Trong năm 2013 đã có 76 phiên đấu thầu bán ra thị trường 69,9 tấn vàng miếng SJC, hỗ trợ hoạt động tất toán của các ngân hàng và đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Theo đó, giá vàng Việt Nam có thời điểm đã giảm, đưa mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức 3 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm mức chênh chỉ ở khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên khi Ngân hàng nhà nước ngưng việc đấu thầu vàng, nguồn cung không dồi dào đã đẩy giá vàng lên là nguyên nhân khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng nới rộng hơn.

Liệu đã đến thời điểm Ngân hàng nhà nước đấu thầu để cung ứng vàng ra thị trường hay chưa? Trả lời câu hỏi này chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, không cần đấu thầu vàng vào lúc này.

Theo ông Hiếu, hiện tại đang có 2 ưu tiên hoặc là giữ dự trữ ngoại hối tốt để có thể điều chỉnh và can thiệp vào thị trường đô la, hai là mua vàng để điều chỉnh giá vàng.

"Ưu tiên nên dành cho thị trường ngoại hối nên tôi cho rằng Ngân hàng nhà nước dừng đấu thầu vàng để không dùng ngoại tệ mua vàng là hợp lý", ông Hiếu nhận định.

Nêu quan điểm về việc chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới giao động từ 4-5 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới hơn 5 triệu đồng/lượng, ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho biết, có khoảng cách như vậy do sự ngăn cách thị trường trong nước, nước ngoài, các quy chế không cho phép kết nối với thị trường vàng thế giới.

Trong khi trong nước vẫn có nhu cầu cao về dự trữ vàng do niềm tin vào đồng tiền Việt vẫn chưa có niềm tin tuyệt đối.

Hiện tượng, xuất hiện những dao động lên xuống là do nhu cầu thay đổi của thị trường khi lãi suất có khuynh hướng giảm, người dân chuyển tài sản của họ sang vàng, cầu cao lên và giá giãn ra so với giá thế giới.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, mức chênh lệch vàng cao như vậy là không hay nhưng Việt Nam không có lựa chọn nào khác.

"Nếu liên thông thị trường vàng Việt Nam với thế giới khi chưa thể quản lý được sẽ dẫn đến những vấn đề hỗn loạn trong đầu cơ, gây ra đợt sóng, sốt vàng. Vấn đề thông tin thị trường, thao túng thị trường thậm chí tin đồn cũng gây ra bất ổn lớn. Sự cách biệt như này không hay nhưng lại là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh Việt Nam", ông Sơn khuyến cáo.

Theo ông Sơn, việc Ngân hàng nhà nước xem xét bát ổn kinh tế vĩ mô nảy sinh từ vấn đề vàng là quan trọng hơn so với việc chênh lệch vàng xuất phát từ nguyên nhân chủ chốt do vàng trong nước chưa liên thông với vàng thế giới.

>> Giá vàng giao dịch xung quanh vùng đáy 4,5 năm

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM