Đổi mới "nhảy cóc": Phép màu y tế của xứ nghèo
Những phát minh tốt nhất, tân tiến nhất có thể ra đời hoặc được áp dụng ở nơi mà chúng ta không ngờ đến: Các quốc gia nghèo với chất lượng y tế thấp.
Nội dung nổi bật:
- Đổi mới “nhảy cóc” là bỏ qua bước phát triển thấp, tiến thẳng lên bước phát triển cao.
- Nhu cầu y tế ở các nước nghèo vô cùng cấp thiết nhưng lại chưa được đáp ứng, tạo sức ép thôi thúc các doanh nghiệp tiến hành đổi mới “nhảy cóc”.
Ở khu vực châu Phi hạ Sahara, các ngân hàng truyền thống chưa bao giờ chú trọng xây dựng hạ tầng. Nguyên nhân là người dân ồ ạt sử dụng dịch vụ ngân hàng di động thay vì trực tiếp đến các chi nhánh. Các thao tác tài chính vi mô như chuyển khoản đều được thực hiện qua điện thoại di động, đơn giản, an toàn mà ít tốn kém. Đây là ví dụ của sự đổi mới mang tính “nhảy cóc”, bỏ qua bước phát triển thấp và tiến thẳng đến bước phát triển cao.
Điều tương tự cũng sắp xuất hiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, tạo ra một cơ hội toàn cầu cho các nhà cải cách y tế.
Vấn đề lớn, giải pháp nhỏ
Cũng giống ngân hàng, ngành chăm sóc sức khỏe từng đòi hỏi phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng. Nhưng hiện nay, sự phát triển vượt bậc về công nghệ, trình độ doanh nghiệp cùng nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn hứa hẹn sẽ làm tăng nhanh nhịp độ và tính hiệu quả của các giải pháp y tế. Những phát minh tốt nhất, tân tiến nhất có thể ra đời hoặc được áp dụng ở nơi mà chúng ta không ngờ đến: Các quốc gia nghèo với chất lượng y tế thấp.
Các giải pháp đơn giản đang được dùng để giải quyết những vấn đề lớn. Chẳng hạn như rửa và tái sử dụng ống tiêm là một đề xuất hấp dẫn đối với những nước nghèo, nhưng lại làm tăng tỷ lệ truyền nhiễm các bệnh lây qua đường máu như HIV. Vì vậy, nhà phát minh Marc Koska đã chế tạo ống tiêm tự hủy sau khi dùng, loại bỏ nguy cơ chúng bị đem tái sử dụng. Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation cũng đang tài trợ cho chương trình cải tiến bồn cầu để nâng cao điều kiện vệ sinh trên toàn thế giới.
Đổi mới “nhảy cóc” cũng hứa hẹn giúp việc theo dõi bệnh nhân trở nên hiệu quả hơn. Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây khác, bệnh viện phải trả một khoản phí rất cao cho việc chữa trị bằng các công nghệ tân tiến. Trong tương lai gần, phương pháp điều trị từ xa sẽ ra đời và được áp dụng ở những nơi hiện còn chưa có máy theo dõi bệnh nhân.
Nhịp độ cách tân chóng mặt này được tạo ra phần nào nhờ môi trường kiểm soát khá thoải mái, cho phép tiến hành sớm những giải pháp chưa được thử nghiệm nhiều mà có khả năng gây một số rủi ro. Tuy nhiên, rủi ro có thể còn lớn hơn nếu không làm gì cả.
Tại những nước đông dân và đang phát triển, máy theo dõi bệnh nhân cần phải rẻ hơn, di động hơn và dễ tiếp cận hơn, kể cả ở vùng sâu vùng xa. Trong lĩnh vực điều trị từ xa, khả năng là vô hạn. Tiến hành hội nghị qua video, thậm chí vận chuyển bằng máy bay không người lái, sẽ là những nhân tố then chốt trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến vùng nông thôn hoặc nơi hẻo lánh.
Cần con mắt nhìn xa trông rộng
Có thể phần lớn lợi ích của đổi mới 'nhảy cóc' với những khu vực khó khăn vẫn chỉ là ý tưởng, tiến trình thực tế không xảy ra giống như các doanh nghiệp hình dung. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trong quá khứ, hoàn cảnh khó khăn có thể làm nảy sinh cơ hội lớn nhất cho ngành chăm sóc sức khỏe.
Những doanh nghiệp mang đổi mới đến các khu vực khó khăn sẽ phải đặt nền móng ngay từ đầu. Sự thay đổi có thể đến chậm hơn so với việc thừa kế cơ sở hạ tầng từ phương Tây. Dù vậy, những doanh nghiệp thông minh và nhanh nhạy sẽ nhận ra giá trị từ việc tiếp cận các thị trường y tế mới và rộng lớn này.
Chỉ cần các doanh nghiệp tạo được cơ hội, làn sóng tiếp bước sẽ xuất hiện khi những công ty thiết bị, thuốc và dịch vụ y tế thử áp dụng mô hình mới. Những người thiếu thốn nhất sẽ có cơ hội sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao.
Tuy nhiên, liệu những cái tên trong danh sách Fortune 500 có thể nhìn xa trông rộng, “nhảy cóc” qua các doanh nghiệp đang đem lại nhiều lợi nhuận nhất nhưng chỉ phục vụ một phần nhỏ dân chúng, để thấy cơ hội lớn hơn nhiều trong việc phục vụ sức khỏe toàn cầu?
Tại các nước đang phát triển, nơi cơ sở hạ tầng còn thưa thớt, tư duy chiến lược của doanh nghiệp chính là nhân tố biến những hạn chế tưởng chừng không thể khắc phục thành cơ hội đầy hứa hẹn.