Doanh nghiệp vận tải hứa giảm ngay giá cước

23/12/2014 16:28 PM |

Sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ tính toán tiếp tục giảm giá cước.

Ngoài việc giảm mạnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước, liên bộ Công thương - Tài chính cũng đã yêu cầu doanh nghiệp trích lập vào quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức cao kỷ lục, lên tới 800 đồng/lít với tất cả các loại xăng dầu.

Xăng giảm 2.050 đồng/lít

Ngày 22-12, Bộ Công thương đã có văn bản điều hành giá xăng dầu với những yêu cầu giảm giá và trích quỹ bình ổn xăng dầu cao kỷ lục. Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu áp dụng giá bán lẻ từ 15g ngày 22-12 không quá mức: xăng RON 92 là 17.880 đồng/lít (giảm 2.050 đồng/lít), diesel 16.990 đồng/lít (giảm 1.420 đồng/lít), dầu mazut 13.130 đồng/kg (giảm 1.690 đồng/kg) và dầu hỏa 17.400 đồng/lít (giảm 1.570 đồng/lít).

Như vậy, so với mức giá ngày 7-7, đến nay giá xăng A92 trong nước đã giảm 7.760 đồng/lít, tương đương hơn 30%. Cùng thời điểm, giá dầu thô giảm 44,71%, theo số liệu từ Bloomberg.

Tương tự, xăng nhập từ Singapore cũng giảm khoảng 45%, tính theo số liệu từ Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC). Giải thích về động thái giảm mạnh giá xăng dầu trong nước, Bộ Công thương cũng cho biết trong chu kỳ từ ngày 7-12 đến hết ngày 21-12, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore bình quân là 68,450 USD/thùng, giảm gần 13 USD/thùng so với kỳ trước, kéo giá cơ sở tại VN xuống còn 17.880 đồng/lít.

Trả lời phóng viên về lý do tại sao giá xăng dầu không giảm ngày 21-12-2014 - đúng hạn 15 ngày theo quy định các cơ quan chức năng phải tính giá cơ sở để điều chỉnh giá, một quan chức Bộ Công thương khẳng định việc điều hành này vẫn hoàn toàn đúng theo quy định của thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, “trường hợp ngày tính giá cơ sở theo chu kỳ là ngày nghỉ hoặc ngày lễ, liên bộ Công thương - Tài chính sẽ công bố giá cơ sở vào ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc ngày lễ”.

Tính toán giảm cước

Theo ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, các doanh nghiệp đang tính toán giảm giá cước taxi, sau khi giá xăng dầu giảm vào chiều 22-12. Một số doanh nghiệp taxi cho biết giá cước taxi lần này sẽ giảm khoảng 500 đồng/km, tương đương với mức doanh nghiệp đã giảm giá cước taxi 500 đồng/km từ ngày 15-12.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết khó khăn nhất là mỗi lần giảm giá phải tốn chi phí và ngừng hoạt động gần nửa ngày chờ kiểm định đồng hồ tính cước.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Hàng hóa TP.HCM - cho biết sẽ tính toán giảm giá cước để phù hợp với giá xăng dầu giảm. Tại bến xe Miền Đông, một số doanh nghiệp cho biết sẽ xem xét giảm giá cước.

Một phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sẽ tính toán giảm tiền ngân sách trợ giá cho các tuyến xe buýt, nhưng sở chưa tính đến giảm giá vé xe buýt.

Ông Lý Minh Luân - Công ty vận tải Minh Luân - cho biết giá xăng giảm với biên độ như lần này có thể sẽ đủ cho việc giảm giá cước, sớm hơn các lần trước.

“Các lần trước giảm ít hơn nên mức giảm giá cước lại càng ít, không làm ngay được. Lần này có thể giảm ngay. Nếu mức đầu vào đã giảm hợp lý, chúng tôi không giảm cũng không được vì cạnh tranh giờ dữ lắm” - ông Luân cho biết.

Kẻ vui, người lo

Trả lời phóng viên về việc giá xăng dầu giảm mạnh sẽ tác động thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bà Đỗ Thị Ngọc - vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - cho biết giá xăng dầu giảm 10%, tính toán sơ bộ CPI chung cả nước tháng 1-2015 sẽ chịu tác động giảm khoảng 0,3%.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Khánh, giám đốc chiến lược đầu tư Công ty CP chứng khoán Maritime Bank, cho rằng giá xăng chắc chắn sẽ giúp CPI giảm đáng kể, ngay cả trong dịp cao điểm cuối năm, khi giá hàng hóa tết hay tăng.

Một loạt hàng hóa của các doanh nghiệp mà đầu vào liên quan tới xăng dầu có khả năng sẽ giảm. Một số doanh nghiệp có chi phí xăng dầu cao như vận chuyển hay vận tải biển sẽ hưởng lợi, nhìn chung đây là thông tin tốt với thị trường” - ông Khánh nhận định.

Đây không phải là những ngày vui cho doanh nghiệp xăng dầu” - ông Bùi Xuân Vũ, giám đốc kinh doanh SFC, cho biết. Ông Vũ cho biết thêm doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ lượng dầu đủ 30 ngày, nên các mức nhập ở giá cao vẫn còn.

Thêm vào đó, họ cũng phải hỗ trợ đại lý trong thời điểm khó khăn vừa qua nên đang thiệt hại khá. Cũng theo ông Vũ, các thương nhân bán lẻ đang chịu thiệt vì xăng dầu dự trữ vẫn còn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, chủ một cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM, than thở về việc lượng xăng nhập về vài ngày trước với giá cũ giờ phải bán với giá thấp hơn tới 2.050 đồng/lít. “Ít nhiều chúng tôi vẫn luôn phải đảm bảo có xăng trong bồn, nên giá giảm đột xuất mà với mức độ lớn đã khiến chúng tôi chịu thiệt” - ông Tuấn nói.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm sâu

Giá xăng giảm mạnh trong tháng qua đã giúp chỉ số giá của nhóm đi lại và bưu điện giảm 3,56%, góp phần kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tại TP.HCM giảm 0,36% so với tháng trước, theo số liệu vừa được Cục Thống kê TP.HCM công bố chiều 22-12. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2013, CPI đạt mức 1,65%.

Ngoài nhóm đi lại và bưu điện, chỉ số giá nhà ở, điện nước, chất đốt cũng giảm 0,95%, văn hóa giải trí giảm 0,22%. Hầu hết các nhóm giảm giá đều do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi giá xăng dầu giảm nhiều lần trong tháng qua.

Các nhóm hàng khác có tăng nhưng cũng ở mức không đáng kể như hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%. May mặc, giày dép, bưu chính viễn thông, dược phẩm đều có mức tăng dưới 0,1%.

* Tương tự, theo công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội, CPI Hà Nội tháng này giảm 0,23% so với tháng trước. Như vậy, trong 12 tháng năm 2014, CPI Hà Nội mới tăng 1,55%.

>> “Trích Quỹ bình ổn cao khiến giá xăng khó giảm sâu hơn“

Theo C.V.Kình - H.Quý - D.Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM