Đến năm 2020 ô tô cá nhân 'Made in Vietnam' khó rẻ như ta tưởng!

02/08/2014 21:15 PM |

Với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được phê duyệt, giả sử ngành phát triển như kỳ vọng, xe ô tô chở người 9 chỗ trở lên có thể rẻ, nhưng đó không phải xe thông dụng cho cá nhân.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Dự kiến xe ô tô chở người 9 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 60%; đến năm 2025, chiếm 65% và đến năm 2030 chiếm 70% tổng nhu cầu nội địa. Xe trên 10 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 90% và đến 2030 chiếm 92%. Xe ô tô tải đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 78% và đến năm 2030 chiếm 80%...

Cùng với đó, xuất khẩu đạt 20.000 chiếc vào năm 2020, 37.000 chiếc vào năm 2025 và 90.000 chiếc vào 2035.

Về tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2020, xe chở người 9 chỗ ngồi đạt 30%-40%, từ 10 chỗ trở lên đạt 35%-45%, xe tải đạt với mức 30% - 40%; đến 2025 xe chở người đến 9 chỗ đạt 40%-45%, trên 10 chỗ đạt 50%-60%, xe tải đạt 45%-55%; đến 2035, xe chở người đến 9 chỗ đạt 55%-60%, trên 10 chỗ đạt 70%-80%, xe tải đạt 70%-75%...

Như vậy, cùng với chính sách và sự hỗ trợ của nhà nước, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay của xe chở khách 20%, xe tải và xe chuyên dụng 15,5% với tốc độ phát triển bình quân trong 3 năm qua cho xe chở khách và xe chuyên dụng lần lượt hơn 12% và hơn 20%, kỳ vọng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đạt được mục đích.

Tuy nhiên, đến năm 2020, khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có xe để xuất khẩu người dân chưa hẳn sẽ được “tha hồ” mua xe rẻ, vì những lý do sau:

Một,
mục tiêu của ngành là phát triển xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe tải và xe chuyên dụng. Đây là xe thường phục vụ làm phương tiện vận tải công cộng... trong khi loại xe cá nhân và gia đình thường dùng là xe dưới 9 chỗ ngồi.

Ngành sản xuất xe ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi trong 3 năm qua gần như dậm chân tại chỗ, tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2013 chưa đến 10%. Giả sử với sự phát triển của ngành, cụm ngành tác động lan tỏa giúp sản xuất xe ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi (xe con) phát triển như kỳ vọng thì đến năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa chỉ mới đạt 30 - 40%.

Đến năm 2020 ô tô cá nhân “Made in Vietnam” khó rẻ như ta tưởng! (1)
(Nguồn: Sở Công thương Tp. Hồ Chí Minh, Ths. Nguyễn Tuấn Tú)

Hai, đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0%. Với tỷ lệ nội địa hóa như trên, giá thành xe ô tô con bán ra chưa có gì đảm bảo là rẻ hơn xe nhập khẩu đó là chưa tính đến chất lượng xe.

Ba, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải sẽ làm tăng giá thành xe qua đó làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa của xe được sản xuất lắp ráp trong nước với chính xe nhập khẩu.

Bốn, nhân lực cung cấp cho ngành sản xuất xe ô tô đang là vấn đề không nhỏ. Bởi đây là ngành đòi hỏi lao động có trình độ cao, chuyên môn sâu. Hiện nhân lực đáp ứng cho ngành có trình độ đại học trở lên chưa đến 20% nhu cầu. Đến năm 2018 – tức còn khoảng 4 năm, việc cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chắc chắn nhanh hơn đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

Bởi vậy, đến năm 2020 xe ô tô chở người dưới 9 chổ ngồi “Made in Vietnam” giá rẻ vẫn là ẩn số khó dự báo.

>> Ôtô rẻ như Ấn Độ: Nỗi thèm khát của dân Việt

Theo Q.Nguyễn

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM