Đề nghị cấm tiệt thủy điện nhỏ
Chiều 1-11, tại tổ thảo luận về nội dung quy hoạch tổng thể thủy điện, nhiều đại biểu băn khoăn về tính hiệu quả của thủy điện nhỏ và đề xuất Quốc hội cần ra nghị quyết dừng hẳn các quy hoạch thủy điện nhỏ
Thủy điện nhỏ, hệ lụy lớn
Tham gia thảo luận tại phiên họp tổ chiều 1-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tới đây Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này cần làm rõ thời gian khắc phục những việc chưa làm được và làm rõ trách nhiệm của tình trạng cấp phép tràn lan dẫn đến phải loại bỏ 424 dự án ra khỏi quy hoạch. |
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) tán thành: “Thủy điện nhỏ chủ yếu do tư nhân làm, mà tư nhân làm thường chỉ tính đến hiệu quả kinh tế, bỏ qua tác hại môi trường. Dự án kiểu này do chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt, nhiều ông cứ mong thu được nhiều ngân sách cho địa phương chứ không quan tâm hậu quả.
Tôi đọc tài liệu, báo cáo thấy các địa bàn làm dự án thủy điện nhỏ kiểu này đều là những cánh rừng già, nhiều gỗ quý. Chúng ta đã tính toán được rồi: để có được 1MW điện thì phải mất 2ha rừng. Quy hoạch thủy điện phải đặt trong mối quan hệ quy hoạch tổng thể về năng lượng. 815 dự án thủy điện còn lại phải tiếp tục rà soát để loại tiếp”.
Nghi ngờ về diện tích rừng bị mất, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) lên tiếng: “Bộ Công thương cho con số diện tích rừng bị lấy cho thủy điện đến khoảng 50.000ha. Trong khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chỉ có gần 20.000ha. Con số nào đáng tin khi chúng chênh lệch đến hơn 30.000ha?”.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) nhận xét: Báo cáo rà soát quy hoạch thủy điện của Chính phủ vẫn chưa đi đến cùng vấn đề vì chưa có địa chỉ trách nhiệm. Đại biểu cũng của TP.HCM Nguyễn Phước Lộc đặt ra hàng loạt câu hỏi: giải pháp khắc phục mới chỉ thấy giải pháp để an toàn thủy điện, còn giải pháp về trồng rừng, về môi trường thế nào? Phải có giải pháp để bù thiệt hại của người dân và môi trường chứ! Ví dụ thủy điện bán được điện thì người dân được thụ hưởng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận? Bao nhiêu phần trăm lợi nhuận dành để trồng lại rừng, bù đắp cho môi trường? Tôi muốn hỏi ta có quyết liệt làm tới mức đó không?”...
Mập mờ tính pháp lý của quy hoạch
“Quy hoạch thủy điện thích thì đưa vào, không thích thì rút ra, rất đơn giản. Đấy, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bao nhiêu người ý kiến rất mạnh mẽ, nhưng cứ nhất quyết đưa vào quy hoạch. Bây giờ rút ra, tiền mất bao nhiêu cho đánh giá, khảo sát, cấp phép, tư vấn... thì ai chịu? Nói về thủy điện Sông Tranh 2, cứ nói Thủ tướng chưa cho tích nước. Nhưng phải nói rõ rằng Thủ tướng chưa cho tích nước ở cao trình 175m, nhưng người ta vẫn tích, có khi là ở cao trình 165m rồi, cho nên hai tổ máy vẫn đang hoạt động” - đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói.
Về an toàn hồ đập, đến nay Thủ tướng mới phê duyệt được 5/11 quy chế vận hành liên hồ chứa vào mùa lũ. Còn lại rất nhiều hồ đập chưa có quy chế vận hành. Ông Minh tiếp: “Vậy tới đây những công trình như Sông Tranh 2 rung, lắc, vỡ thì ai chịu trách nhiệm? Tôi đề nghị phải có hội đồng nghiệm thu các hồ đập để cấp giấy chứng nhận an toàn”.
Đại biểu Trần Du Lịch lại đặt ra vấn đề về pháp lý quy hoạch: “Giả sử nếu Quốc hội không yêu cầu thì chắc toàn bộ mấy trăm dự án bị loại này bây giờ làm hết rồi. Vì ta chưa có luật quy hoạch nên cứ quy hoạch mà không thấy được trách nhiệm. Chẳng hạn dư luận bất bình nên ta loại thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Nhưng khi các ông làm quy hoạch, doanh nghiệp bỏ ra một mớ tiền để làm rồi, giờ dừng lại, thiệt hại của doanh nghiệp ai chịu? Tôi muốn nói ở đây là vấn đề pháp lý. Giả sử bây giờ Quốc hội ra nghị quyết về quy hoạch thủy điện thì 800 dự án còn nằm lại sẽ như thế nào? Tương lai có chắc chắn tất cả sẽ được làm không? Có ai đảm bảo sau này không còn loại bỏ dự án nào nữa không? Quy hoạch của ta có tạo rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư không?”.
Theo LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG