Nỗi kinh hoàng mang tên 'thủy điện'

07/10/2013 15:43 PM |

“Dân chúng tôi như sống dưới “bẫy nước” chứ chẳng ai vui sướng gì với thủy điện nữa”.

Nội dung nổi bật:

Bão không vào, mưa không lớn, song lũ lụt tại Quảng Nam đã dâng trên mức báo động 3 với ít nhất 2 người chết, hàng ngàn người chạy loạn, hàng trăm hộ dân khác phải sơ tán trong đêm... 

Nguyên nhân: 
- Không chấp hành quy chế xả đập thủy điện đảm bảo an toàn, tiến hành xả đồng thời nhiều hồ thủy điện gây ra lũ nhân tạo. 
- Thông báo trước khi xả lũ 20 phút, vô trách nhiệm và không kịp thời gian để địa phương và nhân dân chuẩn bị ứng phó.



Đến hôm nay, (7.10), lũ vùng hạ du Thu Bồn, Vu Gia đã rút, nhưng nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng vẫn xơ xác, tiêu điều.

Người dân tại các xã Đại Đồng, Đại Lãnh... huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn nguyên sự hoảng loạn, thất thần khi nhắc đến... lũ thủy điện.

Dân hoảng loạn

Ông Trà Quang Bảy - tổ trưởng tổ 6, thôn Tân An - bức xúc: “Dân chúng tôi như sống dưới “bẫy nước” chứ chẳng ai vui sướng gì với thủy điện nữa”. 

Từ năm 2008, khi các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn, Quảng Nam được xây dựng, đi vào hoạt động, cũng chính là thời điểm người dân vùng hạ du liên tiếp gánh những hậu quả nặng nề. 

Năm 2009, hàng ngàn hộ dân các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An... đã bị nhấn chìm trong dòng lũ do thủy điện xả lũ. 

Liên tiếp các năm sau đấy, một bộ phận nông dân người Quảng Nam và gần 1 triệu dân Đà Nẵng lại tiếp tục “chịu trận” hậu họa khô hạn, thiếu nước sinh hoạt khi Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 xây dựng, cắt tiệt nước ở thượng nguồn sông Vu Gia để đổ nước về Thu Bồn, phát điện. 

Bão số 10 được xác định là không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam, Đà Nẵng, mưa cũng không thuộc diện lớn so mật độ trong năm. Thế nhưng lũ lụt đã dâng bất ngờ, xấp xỉ báo động 3 trong điều kiện nắng tạnh. Đập không vỡ, nhưng do thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn, nước hạ du dâng nhanh đến 4 mét trong tích tắc. 

Trong khi đó, chính quyền không thông báo kịp thời đến dân. Khi người dân tin lời đồn, hoảng loạn bỏ chạy, chính quyền mới dùng loa phóng thanh... đuổi theo, loan tin trấn an. 

Đến chiều và tối 2.10, lũ đã đổ về gây ngập lụt thật sự ở hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia, người dân huyện Đại Lộc đã phải sơ tán 416 hộ dân với 1.602 nhân khẩu trong đêm 2.10. 

Những sai phạm ngược đời và vô trách nhiệm

Quy trình xả lũ liên hồ (trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành từ năm 2010, nhưng đến nay, khi hữu sự thì việc vận hành lại lúng túng, lộ diện những bất cập, sai phạm. 

Cụ thể ngày 2.10, trên cùng hệ thống sông Vu Gia, trong lúc thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lớn 1.800m3/s- 2.744m3/s (sau đó giảm xuống còn dưới 1.000m3/s), thì thủy điện sông Bung 4A cũng xả tràn với lưu lượng 500 - 1.000m3/s, thủy điện A Vương cũng xả lưu lượng 50 - 150m3/s. Rõ ràng, nhiều hồ thủy điện xả cùng lúc, hạ du sẽ bị ngập lụt là điều không tránh khỏi. 

Mặc dù quy chế vận hành liên hồ có quy định phải vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên, là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện trước tiên, sau đấy đến “góp phần giảm lũ cho hạ du đồng thời đảm bảo hiệu quả phát điện”. 

Tuy nhiên, thực tế, thủy điện Đắk Mi 4 đã làm ngược, “ưu tiên phát điện” trước, gây lũ cho 3 thôn Phước Hòa, Phước Hiệp của huyện Phước Sơn, đồng thời “góp thêm lũ” trên sông Thu Bồn cùng với thủy điện Sông Tranh 2, khiến các xã thuộc huyện Nông Sơn, Quế Sơn bị ngập sâu vì lũ nhân tạo. 

Theo BCH PCLB TP.Đà Nẵng, Đắk Mi 4 xả lũ lúc 9 giờ sáng 2.10, song đến 8 giờ 40 thì Đà Nẵng mới nhận được bản fax thông báo. Nghĩa là địa phương hạ du chỉ có được 20 phút. Thời gian này sẽ không triển khai được bất cứ hoạt động ứng phó kịp thời nào. 

Ngoài ra, thông báo xả lũ này còn “chơi chữ” bởi ghi là “nhà máy dự kiến điều tiết nước về các cửa tràn với lưu lượng 500 - 1.000m3/s”. Đây là bản thông báo vô trách nhiệm, không trung thực, gây hậu quả nặng nề, làm tổn thương, bất an hàng triệu dân vùng hạ du.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM