Đâu là ngân hàng số một Việt Nam?
Có sự khác biệt khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ cho Vietcombank và VietinBank.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2015 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có sự khác biệt.
Tại hội nghị của Vietcombank, Thống đốc Nguyễn Văn Bình một lần nữa giao nhiệm vụ sớm đưa Vietcombank trở thành “ngân hàng số một Việt Nam”. Ông cũng nói rõ, đây là một nhiệm vụ.
Diễn ra sau, tại hội nghị của VietinBank, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát biểu với mong muốn đây sẽ là “một trong hai ngân hàng hàng đầu Việt Nam”.
“Ngân hàng số một” và “ngân hàng hàng đầu” là khác nhau.
Tại Việt Nam, mỗi năm có không dưới vài chục giải thưởng của các tổ chức nước ngoài vinh danh “ngân hàng tốt nhất”. Những giải thưởng này chủ yếu thuộc phạm vi hẹp hơn, về các sản phẩm, nghiệp vụ trong quản lý dòng tiền, trong thanh toán, ứng dụng công nghệ, tài trợ thương mại…
Cũng có những giải thưởng tổng thể là “ngân hàng tốt nhất Việt Nam”, “ngân hàng mạnh nhất Việt Nam”, do các tạp chí chuyên ngành xét chọn, như của Corporate Treasurer, Euromoney, Asian Banker…
Tuy nhiên, cho đến nay, vị trí ngân hàng số một tại Việt Nam vẫn chưa được thiết lập và xác định một cách cụ thể nhất, về tên tuổi và các tiêu chí so sánh, và hơn hết là có sự thay đổi vị trí qua các quá trình.
Trở lại tình huống của Vietcombank và VietinBank, “ngân hàng số một” là nhiệm vụ Thống đốc giao cho Vietcombank, từ trong năm 2014 và tiếp tục nhấn mạnh ở mục tiêu 2015.
Có thể hiểu, đó là vị trí số một toàn diện. Bởi nếu xét theo các tiêu chí khác nhau, sẽ có “ngân hàng số một Việt Nam” khác nhau.
Trong một lần chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ trên. Dường như ông Dũng cũng băn khoăn về các tiêu chí, nhưng có một điểm ông khẳng định: “Vietcombank là ngân hàng có tình hình tài chính sạch sẽ nhất”.
Trong khi đó, về quy mô mạng lưới và tổng tài sản, đến nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn là lớn nhất.
Nhưng nếu về quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, đặc biệt là về con số lợi nhuận tuyệt đối, thì VietinBank đang dẫn đầu.
Liên quan đến con số lợi nhuận tuyệt đối, nhiều năm trước Vietcombank khẳng định vị trí số một một cách vững chắc, khi lợi nhuận 4 ngân hàng xếp sau cộng lại với có thể so sánh với họ. Nhưng những năm gần đây, tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank thấp, trong khi VietinBank bứt phá và vượt trôi.
Hai năm gần đây, lợi nhuận VietinBank khựng lại và sụt nhẹ, nhưng vẫn bỏ xa Vietcombank, xét theo con số giá trị tuyệt đối.
Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang nổi lên. Còn Agribank hiện vẫn còn ở xa trong so sánh này.
Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của VietinBank là 7.300 tỷ đồng, Vietcombank là 5.680 tỷ đồng, BIDV 6.065 tỷ đồng.
Nhưng thông thường, các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư vẫn đánh giá ngân hàng (và các doanh nghiệp nói chung) qua các chỉ số cơ bản, phổ biến là tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA).
Ở hai chỉ số trên, năm 2014, cách biệt giữa các “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước là không quá lớn: Vietcombank có ROE 10,5%, ROA 0,9%; VietinBank tương ứng 10,4% và 1,2%; BIDV là 14,4% và 0,8%.
Hai chỉ số này phản ánh hiệu quả kinh doanh, mà nếu căn theo để xác định ngân hàng số một Việt Nam thì chưa hẳn các “ông lớn” quốc doanh đã qua mặt một số ngân hàng thương mại cổ phần hiệu quả.
Vậy nên, việc xác định vị trí “ngân hàng số một Việt Nam” cần tổng hòa các tiêu chí về quy mô, độ phủ mạng lưới, hiệu quả hoạt động, chất lượng tài sản, hiệu suất lao động, thậm chí là cả việc định giá thương hiệu hay chế độ đãi ngộ người lao động…?
Như vậy có vẻ vẫn chưa đủ. Bởi lẽ, trong các so sánh khác, có lãnh đạo ngân hàng tự hào cho rằng, thị trường chứng khoán là một hàn thử biểu, giá cổ phiếu ngân hàng mình cao hơn rất nhiều các ngân hàng khác là cũng đáng để tham khảo.
Hoặc như, một ngân hàng có thể tự tin so sánh họ áp lãi suất rất thấp nhưng vẫn huy động được nhiều vốn hơn các ngân hàng có quy mô tương đồng, và điều này khẳng định giá trị tốt hơn trong mắt người gửi tiền…
Đến nay, khi mà chưa thực sự có một “quy hoạch” thực sự để xác định và đo đếm chính xác vị trí “ngân hàng số một Việt Nam”, thì các so sánh trong hệ thống sẽ an toàn hơn khi xét và gắn với các tiêu chí cụ thể.
Nhiệm vụ mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao cho Vietcombank, vậy nên, cũng mới là tương đối.
>> Nhân viên ngân hàng 'đau đầu' vì đổi tiền mới cho khách
Theo Hoàng Vũ