Đằng sau vụ bạo loạn tại Paris: Uber nở nụ cười chiến thắng
Trước sức ép rất lớn của cuộc biểu tình ngày hôm qua, chính quyền Paris đã cấm dịch vụ Uber hoạt động. Tuy nhiên nhìn từ nhiều góc độ, Uber mới là người chiến thắng.
Ngày hôm qua, Paris chìm trong khói lửa của cuộc bạo loạn xuất phát từ việc các tài xế taxi biểu tình chống lại dịch vụ Uber. Các tài xế này đã chặn các con đường đến sân bay, ga xe lửa, lật úp nhiều xe Uber và ẩu đả với cả các tài xế của dịch vụ này.
Vụ việc diễn ra căng thẳng và bạo lực tiếp tục leo thang khiến cho lực lượng cảnh sát chống bạo động tại Paris phải vào cuộc. Tuy nhiên trước sức ép rất lớn từ những người tham gia biểu tình, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã phải lệnh cho cảnh sát Paris ra một nghị định cấm dịch vụ Uber hoạt động và tuyên bố những chủ xe nào vi phạm lệnh cấm này sẽ bị thu xe.
Paris chìm trong khói lửa của cuộc bạo loạn chống Uber
Ông cũng ra lệnh cho các cảnh sát trưởng và công tố viên địa phương điều tra việc Uber không chịu nộp các khoản thuế và phí xã hội ở Pháp. Đây có thể xem như là biện pháp tình thế của chính quyền thành phố, nhằm trấn an những người tham gia biểu tình.
Trong thời gian qua, dịch vụ Uber phát triển với tốc độ rất nhanh trên quy mô toàn cầu. Với tổng giá ước tính lên đến 50 tỷ USD, Uber là startup có tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên cùng với sự phát triển nhanh chóng đó, startup này cũng gặp phải rất nhiều vấn đề rắc rồi. Trong đó, trở ngại lớn nhất vẫn là các quy định pháp luật về dịch vụ cho đi nhờ xe này và sự phản đối từ các hãng taxi truyền thống.
Các tài xế taxi tại Paris cho rằng dịch vụ Uber vi phạm pháp luật vì không tuân theo các quy định giống với các hãng taxi truyền thống khác. Chính vì vậy mà Uber có thể cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn rất nhiều. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và khiến cho nhiều hãng taxi truyền thống gặp khó khăn, dẫn đến công việc của các tài xế taxi này cũng bị đe dọa.
Chính quyền thành phố ra quyết định cấm dịch vụ Uber hoạt động, tuy nhiên đây có thể xem là biện pháp trấn an và xoa dịu tạm thời.
Có thể nói rằng, hành động biểu tình của các tài xế taxi là chính đáng. Và trên thực tế dịch vụ UberPop của Uber tại Paris đã không tuân thủ đúng quy định pháp luật, khi các tài xế này không đóng các bảo hiểm đề phòng tại nạn như các hãng taxi chính thống khác vẫn làm.
Tuy nhiên hành động biến cuộc biểu tình thành một cuộc bạo loạn đã làm mất đi hoàn toàn mục đích chính đáng ban đầu. Thay vào đó khi cả thế giới nhìn vào sẽ thấy đây là hành động trút giận, đầy bạo lực và vi phạm pháp luật.
- Về lý, chưa tính đến việc Uber có vi phạm pháp luật tại Paris hay không. Hành động bạo loạn, phá hoại tài sản và gây thương tích của các tài xế taxi là vi phạm pháp luật và không thể tha thứ. Những hành động như vậy là không thể chấp nhận được và cánh taxi truyền thống đã tự mình làm mất điểm ngay trong mắt dư luận.
- Về tình, các tài xế Uber hoàn toàn không có lỗi trong việc này. Tuy nhiên hành động bạo loạn lại nhằm trực tiếp vào các tài xế Uber, làm lật xe cũng như gây thương tích. Trong trường hợp này, Uber là người bị hại và thực tế cho thấy: con người luôn có xu hướng đứng về phía kẻ bị hại.
Một tài xế Uber bị hành hung trong cuộc bạo loạn.
- Về góc độ thiệt hại, rõ ràng Uber mất mát rất lớn. Không chỉ tài sản và sức khỏe của các tài xế Uber, mà chính quyền Paris còn ra quyết định cấm hoàn toàn dịch vụ của Uber tại thành phố này mà không đưa ra thời hạn.
Tuy nhiên đây chỉ có thể xem là hành động trấn an của chính quyền tại Paris. Ngay cả khi Chính phủ Pháp ra lệnh cấm dịch vụ UberPop, Uber vẫn biết cách lách luật bằng khiếu nại hoãn thi hành án tạm thời và trong thời gian đó thì dịch vụ này vẫn hoạt động bình thường. Do đó, sau khi vụ việc này lắng xuống, chắc chắn Uber sẽ có cách để quay trở lại .
Trong khi đó, vụ việc lần này đã gây chấn động toàn thế giới và ai cũng biết đến cái tên Uber. Chưa biết tốt hay xấu, nhưng những hình ảnh cuộc bạo loạn được chia sẻ tràn ngập internet cho thấy Uber là người bị hại. Do đó, cộng đồng internet càng chia sẻ những sự cảm thông, ủng hộ đối với Uber. Với tâm lý lan tỏa như vậy, Uber đã để lại dấu ấn tốt trong tâm trí tất cả mọi người.
Cuộc biểu tình chống Uber đã hoàn toàn phản tác dụng.
Đây cũng không phải lần đầu tiên các tài xế taxi truyền thống biểu tình chống lại Uber. Mùa hè năm ngoái, các tài xế taxi tại London cũng tổ chức một cuộc biểu tình đòi cấm hoạt động đối với dịch vụ Uber. Mặc dù mức độ bạo lực và sức nóng không bằng so với vụ biểu tình tại Paris, tuy nhiên vào thời điểm đó ai cũng cho rằng Uber sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, sau khi cuộc biểu tình tại Lonđon kết thúc, Uber báo cáo số lượng người đăng ký dịch vụ này tăng 850%. Do đó có thể nói rằng những sự việc rầm rộ như thế này chính là cơ hội quảng bá rất tốt của những startup như Uber, nếu như biết vận dụng đúng cách.
Taxi truyền thống: 0 - Uber: 1
Cho đến nay, có lẽ không có ai còn quan tâm đến việc Uber vi phạm pháp luật, không đóng thuế, cạnh tranh không lành mạnh nữa. Tất cả mọi người đều thấy rằng đây là một dịch vụ tốt, giá rẻ, chính vì vậy mà đe dọa đến kinh doanh của các hãng taxi truyền thống. Do đó mà họ biểu tình, họ bạo loạn, phá xe và hành hung tài xế Uber.
Và hành động của cộng đồng sẽ là gì? Chắc chắn sẽ là tiếp tục ủng hộ Uber, tiếp tục sử dụng dịch vụ này coi như một hành động bù đắp lại thiệt hại của công ty này trong cuộc bạo loạn vừa qua. Vì rõ ràng Uber là kẻ bị hại.
Trong cuộc bạo loạn tại Paris, các hãng taxi truyền thống: 0 - Uber: 1