Đằng sau đà hồi phục của giá dầu

01/06/2015 06:00 AM |

Xét trong điều kiện cung cầu hiện nay, liệu có phải đà tăng của giá dầu sẽ sớm kết thúc?

Nội dung nổi bật:

- Kể từ khi chạm đáy hồi tháng 3 tới nay, giá dầu đã tăng gần 40%. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này mang tính chất ngắn hạn, điển hình là những quan ngại về biến động ở Trung Đông

- Tuy nhiên, đà tăng giá sẽ sớm kết thúc. Do nguồn cung quá lớn. Có vẻ như động thái cương quyết không cắt giảm sản lượng của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không thể ngăn chặn dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ. Sản lượng khai thác dầu của Saudi đã tăng lên mức kỷ lục 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4.


Tại sao giá dầu đang hồi phục?

Trên thực tế, kể từ khi chạm đáy hồi tháng 3 tới nay, giá dầu đã tăng gần 40%. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này mang tính chất ngắn hạn (điển hình là những quan ngại về biến động ở Trung Đông). Nhu cầu của Trung Quốc – hiện là nước tiêu thụ dầu nhiều thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới – đang tăng lên.

Người Mỹ cũng mua nhiều xăng hơn vì mọi người phản ứng với giá dầu giảm bằng cách đi những quãng đường xa hơn bằng những chiếc xe to hơn. Lượng dầu thô tồn kho ở Mỹ đã giảm 3 tuần liên tiếp, đồng thời sản lượng cũng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, đà tăng giá sẽ sớm kết thúc.

Vì sao?

Do nguồn cung quá lớn. Có vẻ như động thái cương quyết không cắt giảm sản lượng của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không thể ngăn chặn dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ. Sản lượng khai thác dầu của Saudi đã tăng lên mức kỷ lục 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

Tháng 11 năm ngoái, động thái của OPEC đã khiến giá sụt giảm mạnh. Tuy nhiên sản lượng tăng và sự phát triển của công nghệ ép thủy lực với chi phí thấp khiến nguồn cung tăng mạnh, Sản lượng ở Bắc Dakota – một trong những vùng khai thác dầu lớn nhất của Mỹ, tăng mạnh trong tháng 3.

Đà tăng sẽ kéo dài bao lâu?

Yếu tố lớn nhất tác động đến giá dầu trong dài hạn là chi phí sản xuất ở các giếng thay thế. Các tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia đã cắt giảm chi phí vốn trong dài hạn. Chi phí cho các dự án ở các giếng dầu cát ở Canada cũng như các giếng ở vùng nước sâu thuộc Bắc cực ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, nhờ công nghệ ép thủy lực của Mỹ, chi phí tìm kiếm và phát triển (F&D) các vùng dự trữ mới đang giảm xuống chứ không tăng lên.

Trung bình, chi phí F&D trên mỗi thùng dầu vào khoảng 24 USD (theo tính toán của ngân hàng Macquarie), giảm so với mức trung bình 30 USD của mấy năm gần đây. Thêm vào đó, Saudi Arabia, Iraq và Libya đều có nhiều giếng chưa được khai thác với chi phí thấp. Hiện tại, các nước này đang đuổi theo thị phần thay vì cố gắng tăng giá bằng cách thay đổi sản lượng.

Một yếu tố khác có liên quan là lượng cầu. Các nước phát triển ngày càng sử dụng ít hơn năng lượng hóa thạch trong khi các nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn.

Giá sẽ như thế nào trong năm tới?

Goldman Sachs cho rằng đến tháng 10 giá sẽ giảm xuống còn 45 USD/thùng với giả định không có sự kiện địa chính trị bất thường hay thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, trong mấy năm qua công nghệ và tài chính là những yếu tố đóng vai trò quan trọng hơn.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Mỹ đang thực hiện chính sách cấm xuất khẩu dầu thô (dù các lỗ hổng đang ngày càng lớn hơn). Tuy nhiên, Mỹ đang ngày càng lớn mạnh xét trên vị thế nước xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà máy lọc dầu ở nơi khác, đặc biệt là châu Âu. Đối với các công ty có tình hình tài chính đủ mạnh, đây là thời điểm tuyệt vời để “đi mua sắm”. Các công ty cần giá dầu ở mức 100 USD/thùng để tồn tại sẽ là mục tiêu thâu tóm.

Bên cạnh đó, hãy nhìn vào ngành năng lượng có thể tái tạo. Không ai có thể biết chính xác giá dầu sẽ là bao nhiêu trong năm 2020. Tuy nhiên, chắc chắn năng lượng mặt trời sẽ rẻ hơn.

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM