Cục trưởng Cục Dược: Có kiếp sau, tôi không làm ngành y
10h40 sáng nay, Bộ Y tế tổ chức họp báo để thông tin, trả lời về tình trạng hỗn hoạn khi tiêm chủng vắc xin dịch vụ .
Ngành y tế... thật đáng thương
Chủ trì buổi họp báo là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu và Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường.
Cùng tham dự còn có Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ Đặng Đức Anh và Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộngDương Thị Hồng.
Có khoảng 100 nhà báo tham dự cuộc họp này. Tại cuộc họp, đoàn chủ tọa tỏ ra khá lo lắng vì sợ người dân quay lưng với Quinvaxem sẽ khiến dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý Dược khá cầu thị, giải đáp chi tiết các thắc mắc của báo giới.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường chia sẻ: "Sáng nay Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã rất lo lắng. Ông bảo tình hình này dịch bệnh bùng phát thì chết chúng tôi".
Ông Cường than: "Không có vắc xin cũng khổ, mà có kiểu này còn khổ hơn. Như này nếu có kiếp sau, tôi không làm ngành y nữa mà làm nhà báo".
Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường
"Người dân mất niềm tin thì tôi rất buồn"
Là người phát biểu khai mạc cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay Bộ Y tế triển khai tiêm 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng là 10 loại (phòng 12 bệnh), còn lại là dịch vụ, với mong muốn để người dân phòng bệnh tốt nhất.
Tình trạng hỗn loạn vắc xin thời gian qua là do khan hiếm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ. Việc khan hiếm này không phải là do Bộ Y tế không cho nhập mà do nhà sản xuất không có vắc xin.
Trong tiêm mở rộng, Bộ Y tế vẫn đảm bảo cung cấp đủ vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem có thành phần tương đương vắc xin 5 trong 1 Pentaxim. Một năm có 4,5 triệu liều Quinvaxem được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng trong khi vắc xin dịch vụ chỉ chiếm 10% thị trường.
Giải thích lý do các phụ huynh quan ngại tiêm Quinvaxem, ông Phu cho rằng vì vắc xin này có chứa thành phần ho gà toàn tế bào hay gây phản ứng sốt, sưng đau sau tiêm.
"Trước kia không có vắc xin vô bào để so sánh, người dân vẫn tiêm Quinvaxem, giờ có vắc xin dịch vụ nhưng Pentaxim cũng có phản ứng", ông Phu nói.
Nếu vẫn chờ đợi vắc xin dịch vụ, không tiêm đầy, khi miễn dịch cộng đồng giảm còn 60-70% (hiện trên 90%) thì chắc chắn dịch bùng phát và phần lớn những người chưa tiêm chủng chắc chắn mắc bệnh. Vừa qua ho gà ở Hà Nội, bạch hầu ở Gia Lai là một ví dụ. Do đó nếu thiếu vắc xin Pentaxim có thể thay bằng Quinvaxem, người dân không được chờ đợi vì rất nguy hiểm.
"Các điểm tiêm chủng phải làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. An toàn là trên hết. Phải tăng thêm bàn, thêm người hướng dẫn, tư vấn, người khám, bố trí thêm công an, dân phòng để bảo đảm thuận lợi cho người dân. Bộ Y tế cũng nghiêm cấm tăng giá, trục lợi trong tiêm chủng vắc xin dịch vụ. Không thể có một ít vắc xin mà cả nước không tiêm Quinvaxem", ông Phu nói.
Ông Phu nhấn mạnh, ưu điểm của tiêm chủng mở rộng vẫn là quan trọng số 1. "Nếu người dân mất niềm tin thì tôi rất đau buồn" - ông Phu nói.
Không có nguồn vắc xin mới
Chung nỗi lo với Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường nói, nỗi lo lớn nhất hiện nay là dịch bùng lên. "Khi không có vắc xin dịch vụ cũng khổ, mà có kiểu này còn khổ hơn".
Ông Cường cho biết, hiện trên thế giới có 3 nguồn cung cấp vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà vô bào là GSK, Sanofi và Nhật Bản.
Trong suốt hơn 1 năm qua, Cục Quản lý Dược đã ít nhất 3 lần sang Nhật để đàm phán nhập khẩu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 của nước này, thậm chí nhờ cả mối quen biết nhưng họ từ chối với lý do chỉ đủ dùng trong nước.
"Chúng tôi đã tìm hết cách, sang Pháp, sang Nhật, sang Bỉ, sang Hàn Quốc. Hàn Quốc họ cũng nói rất lạ, vì hiện có 94 nước đang sử dụng Quinvaxem đều rất tốt. Ngay ở Pháp, Cục Quản lý Dược nước này cũng nói đang thiếu Pentaxim", ông Cường thông tin.
Theo ông Cường, Cục đã thông báo, nếu doanh nghiệp nào tìm đặt được nguồn vắc xin ho gà vô bào thì Cục sẽ tạo điều kiện nhưng cho đến nay chưa có đơn vị nào.
"Chúng tôi xin khẳng định không có vắc xin chứ không có lý do nào đó. Vì logic không ai thấy có thị trường, có nhu cầu mà lại không muốn bán hàng cả", ông Cường nhấn mạnh.
Về biện pháp, ông Cường cho biết đang tính đến phương án điều phối thương thuyết với Cục trưởng Cục Dược các nước Thái Lan, Malaysia để có thêm nguồn vắc xin.
"Để đảm bảo, chúng tôi yêu cầu công khai minh bạch 161 điểm tiêm vắc xin dịch vụ toàn quốc. Ngoài các điểm này mà có vắc xin để tiêm là bất thường. Còn giá hiện nay vẫn là 630.000 đồng/liều, không có tăng. Nếu phát hiện chỗ nào bán giá cao hơn, chúng tôi sẽ ngừng cấp phép", ông Cường nói.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo, người dân không nên dùng vắc xin xách tay vì điều kiện bảo quản không an toàn.
"Chúng tôi bằng mọi cách, bằng mọi kênh sẽ tìm các nguồn vắc xin dịch vụ thay thế. Nhưng tôi khẳng định cho đến bây giờ không có bất kỳ nguồn cung ứng nào khác ngoài Sanofi và GSK. Nguồn khả dĩ hiện nay là vắc xin Hecxaxim có thần phần ho gà vô bào đang thử nghiệm lâm sàng ởi Thái Bình cho 354 trẻ, đến tháng 2/2016 sẽ hoàn tất 3 mũi. Nếu đảm bảo hiệu giá kháng thể và được hội đồng y đức đồng ý, có thể tháng 6/2016 sẽ được phép lưu hành".
Đăng ký tiêm qua website, email
- Để tránh hỗn loạn như tại 182 Lương Thế Vinh, kế hoạch tiêm Pentaxim thời gian tới tại Hà Nội như thế nào?
GS Đặng Đức Anh: Có thể thực hiện trên trang web. Các bà mẹ tỉnh khác cũng có thể tiêm cho con mình.
TS Nguyễn Nhật Cảm (GĐ TT Y tế dự phòng HN): Chúng tôi sẽ đăng ký qua trang web hoặc email để đảm bảo người dân không phải đến xếp hàng. Để công bằng, chiều nay chúng tôi sẽ chốt, ngày giờ nào để tiêm sẽ có thông báo công khai trên website các đơn vị và công khai với báo chí.
Tại điểm tiêm 182 hôm qua cho đăng ký tiêm luôn dẫn đến lộn xộn. Hiện nay họ chưa tiêm mũi nào và vẫn đang chờ đợi chỉ đạo cấp trên để làm sao tiêm tốt nhất, hiệu quả nhất.
Chiều qua chúng tôi đã xuống kiểm tra. Điểm tiêm này không có trong danh sách 17 điểm tiêm dịch vụ tại Hà Nội. Tuy nhiên, đây là phòng tiêm liên doanh với BV ĐHQG nên họ đã được cấp phép, đã nhận 500 liều vắc xin Pentaxim.
Tuy nhiên hình thức tổ chức không khoa học, không lường trước được.
- Hiện vắc xin Pentaxim đáp ứng bao nhiêu % nhu cầu của người dân?
TS Nguyễn Nhật Cảm: Trong năm 2014, Hà Nội tiêm trên 400.000 liều Quinvaxem, năm 2015 đến nay là trên 385.000 liều, trong đó trẻ em dưới 1 tuổi là 150.000 liều. Như vậy năm nay nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ là 50.000 – 60.000 liều.
Với số liệu như Cục Quản lý Dược thông báo là 15.120 liều hiện tại và 29.000 liều sắp tới thì đã đáp ứng được khoảng 60-70% của Hà Nội.
Còn 2016, chúng tôi dự báo cần khoảng 100.000 – 120.000 liều Pentaxim.
- Sự việc lộn xộn xảy ra tại 182 Lương Thế Vinh trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao lại có quy định mang con đến đăng ký mới được tiêm?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay trách nhiệm chỗ 182 là của Polyvac thôi. Việc đăng ký không tốt là trách nhiệm của đơn vị đó.
Hiện nay chúng tôi thấy rằng việc đăng ký tiêm dịch vụ là khó nhất, dễ lộn xộn nhất. Sáng chúng tôi đã họp bàn, thống nhất là đăng ký qua website, không thể đáp ứng được 100% nhu cầu và cũng không phân biệt ngoại tỉnh được.
Chúng tôi cũng không phân biệt ngoại tỉnh vì vừa qua cũng nhiều người bế con đến ăn trực nằm chờ. Nhưng phải tuyệt đối tránh cò mồi.
Chúng tôi yêu cầu chỉ khi nào đăng ký xong mới được triển khai tiêm còn không thì không được tiêm.
Về quy định buộc mang con đi tiêm, tôi xin khẳng định không có quy định nào phải mang con đến đăng ký tiêm. Chúng tôi cũng đã có khuyến cáo không mang trẻ con đến vì rét buốt như này dễ nhiễm các bệnh hô hấp.
Việt Nam không bắt buộc dùng Quinvaxem
- Có phải Việt Nam có cam kết phải đạt tỉ lệ tiêm chủng Quinvaxem nhất định thì GAVI mới tiếp tục cung cấp loại vắc xin này, đó là lí do tại sao gần cuối năm mới có vắc xin dịch vụ? Liệu có phải quy trình tiêm, đặc biệt là khám sàng lọc trước tiêm chưa chuẩn khi tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủ yếu ở vùng nông thôn, các thành phố lớn không có?
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ Quinvaxem cho Việt Nam từ năm 2010 - 2019. Phía GAVI đã thoả thuận sẽ cung cấp đủ Quinvaxem cho tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.
Theo số liệu chúng tôi có được, sau nhiều năm triển khai, hiện tỉ lệ tai biến sau tiêm Quinvaxem vẫn thấp, trong khung được khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất. Sau tiêm trẻ chỉ có phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm, sốt sau tiêm vì Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào thường gây sốt.
Ngoài ra có một số phản ứng khác, có thể phải đưa các cháu vào bệnh viện điều trị. Tuy nhiên sau điều trị, các cháu cũng khỏi.
Có một số trường hợp tử vong nhưng con số không nhiều. Các tỉnh, thành phố đều có hội đồng chuyên môn để đánh giá phản ứng sau tiêm để xác định căn nguyên tử vong.
Một số cháu tử vong do có mắc bệnh bẩm sinh phải có sự cung cấp thông tin của gia đình mới xác định chính xác được nguyên nhân.
Thứ tự từ trái qua: TS Nguyễn Nhật Cảm, TS Trương Quốc Cường, PGS.TS Trần Đắc Phu
PGS.TS Trần Đắc Phu: Vừa rồi nhiều trường hợp tử vong là do tiêm viêm gan B, vitamin K, vắc xin BCG... chứ không phải tất cả đều do Quinvaxem.
Những trường hợp tử vong do Quinvaxem thường do trùng lặp ngẫu nhiên hoặc do bản thân cơ thể các cháu mẫn cảm.
Còn đúng chúng tôi phải xác nhận khám sàng lọc rõ ràng thành phố tốt hơn nhưng cũng phải khẳng định khám sàng lọc cực kỳ khó. Tiêm xong nhiều bệnh mới bùng phát.
Chúng tôi đã tăng cường, triển khai các lớp tập huấn tiếp cho hệ thống từ khám sàng lọc và các vấn đề bệnh tật sau tiêm. Nếu tập huấn tốt cho hệ thống này thì cũng giải quyết được tử vong sau tiêm Quinvaxem.
Còn về việc Việt Nam có tiếp tục tiêm Quinvaxem hay không là quyền của Việt Nam.
Tôi nói luôn, trong giai đoạn đầu, Việt Nam tiêm Quinvaxem được viện trợ nhiều tiền hơn còn từ nay đến 2019 vốn đối ứng Việt Nam phải bỏ ra nhiều hơn.
Việc thay thế vắc xin là cả chiến lược. Quinvaxem có phản ứng, có tử vong nhưng vắc xin vô bào cũng có. Vừa qua, một số quốc gia tiêm vô bào như ở Mỹ vẫn có dịch ho gà bùng phát.
TS Trương Quốc Cường: Cách đây hơn 1 năm, Bộ Y tế cũng đã có phương án thay thế Quinvaxem nhưng lúc đó nhiều thông tin cho rằng miễn dịch Quinvaxem cao hơn. Nếu thay vắc xin mới, tiêm xong vẫn xảy ra sự cố ai chịu trách nhiệm?
Hiện nay Quinvaxem cũng được 94 nước sử dụng rộng rãi.
Tại sao chỉ Việt Nam thiếu?
- Cục Quản lý Dược đã đàm phán vắc xin dịch vụ mất bao lâu, tại sao vẫn thiếu? Hiện một số doanh nghiệp cho biết họ có thể nhập được 100.000 liều từ Campuchia, Malaysia, Dominica với giá bán 29USD/liều (cao hơn giá nhà sản xuất bán cho Việt Nam hiện tại 4 USD). Họ nói nếu Cục Dược cho phép bán giá cao hơn thì chỉ trong vòng 10 ngày là có vắc xin về đến Việt Nam? Ông nói gì về thông tin này?
Như các ông nói sẽ đăng ký tiêm qua mạng, liệu có đảm bảo đúng các cháu được tiêm thực sự?
TS Trương Quốc Cường: Khi nhà sản xuất cung ứng chậm, hơn 1 năm nay chúng tôi đã tiến hành đàm phán nhiều nơi. Quá trình đàm phán vắc xin dịch vụ rất vất vả.
Thông tin có người nói nếu tăng giá vắc xin sẽ có thể mua ở các nước Malaysia, Campuchia, Dominica là không chính xác, vì các nước đó không có nhà sản xuất vắc xin Pentaxim. Nếu có cũng là của Sanofi, nếu vậy các nước này thành chợ đen là trái quy định.
Mặt khác buôn không chính thức thì nguy hiểm cho tính mạng, họ bảo quản, vận chuyển không đúng quy định càng dễ sốc hơn. Tôi cũng khuyên các bà mẹ đừng bao giờ cho con tiêm các loại vắc xin này, cho rẻ 1 nửa cũng không tiêm.
Về nhập khẩu vắc xin, vấn đề ở đây không phải là giá. Nếu các nhà nhập khẩu thấy đang lỗ, giá vận chuyển tốn kém, Bộ Y tế sẵn sàng họp cho phép điều chỉnh theo tỷ giá.
2 năm qua, phía nhà sản xuất vẫn giữ đúng giá. Cục Quản lý Dược không được tăng.
Hiện nhà sản xuất vẫn đúng giá, giá 2 năm công bố vẫn giữ nguyên. Cục Quản lý Dược không được tăng.
- Tại sao lại chỉ có Việt Nam thiếu Pentaxim trong khi các nước không thiếu, ví dụ như Singapore chẳng hạn, nhiều người vẫn cho con sang đó tiêm?
TS Trương Quốc Cường: Singapore không thiếu vì họ sử dụng Pentaxim trong tiêm chủng mở rộng, số lượng lớn nên được ưu tiên. Trước đây dịch bệnh ít, họ vẫn chuyển qua cho Việt Nam được mấy chục ngàn liều.
- Việc phân bổ Pentaxim tại Việt Nam có điểm không hợp lý khi trong đợt này miền Bắc chỉ có 15.120 liều trong khi phía Nam có tới hơn 120.000 liều. Liệu Cục Quản lý Dược có quản lý được tình trạng bán lòng vòng ra miền Bắc để tăng giá?
TS. Trương Quốc Cường: Hiện nay, theo số liệu từ Cục Quản lý Dược, trong tháng 12 có 160.000 liều Pentaxim, trong đó về miền Bắc chỉ có khoảng 44.000 liều (sắp tới có thêm 29.000 liều) còn lại về các tỉnh phía Nam.
Có sự chênh lệch như vậy do hợp đồng giữa nhà sản xuất và các công ty nhập khẩu. Theo nhà sản xuất do phía doanh nghiệp có hợp đồng từ trước nên được cung cấp nhiều hơn. Ở miền Bắc không đấu thầu, trong khi miền Nam có đấu thầu, phân về các bệnh viện.
- Làm sao để kiểm soát được các đơn vị cung cấp vắc xin không tạo ra cơn sốt ảo? Được biết có vắc xin dịch vụ mới đang thử nghiệm tại Thái Bình, vậy loại vắc xin này do đơn vị nào sản xuất? Giá bán thế nào và khi nào có thể tiêm rộng rãi tại Việt Nam?
TS Trương Quốc Cường: Đây là cơn sốt thật và thiếu thật chứ không phải ảo. Thiếu toàn cầu, thiếu hệ thống chứ không phải ảo.
Còn vắc xin đang thử nghiệm tại Thái Bình là vắc xin Hexaxim 6 trong 1 cũng do Sanofi sản xuất. Nếu đảm bảo hiệu giá kháng thể, được nghiệm thu và được hội đồng đăng ký thuốc cho lưu hành thì sớm nhất vào tháng 6 tới có thể tiêm rộng rãi, còn không sẽ phải đợi đến tháng 6/2017 sau khi tiêm nhắc lại mũi thứ 4.
Tuy nhiên phải đợi chắc chắn tôi mới nói vì tránh trường hợp người dân mong ngóng. Giống như vừa rồi, phải đợi kiểm định xong tôi mới thông báo có Pentaxim.
Hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội sáng qua là hệ quả của tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim trong suốt thời gian dài.
Dù Bộ Y tế đã thông báo từ nay đến giữa tháng 2/2016 sẽ có 200.000 liều Pentaxim (160.000 liều nhận trong tháng 12, 40.000 liều nhận tháng 2/2016), tuy nhiên vẫn không đủ làm người dân yên tâm.
Trước tình hình trên, trong chiều tối 25/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã họp với lãnh đạo các Cục, Vụ để bàn giải pháp giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ sở tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh.