Bộ Y tế: “Nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vắc xin dịch vụ”
Trong cuộc họp báo về tình trạng hỗn loạn, chen chúc đưa trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoặc tuồn vắc xin từ cơ sở nhà nước ra ngoài".
Sáng nay (26/12), Bộ Y tế đã tổ chức họp báo thông tin, trả lời về tình trạng hỗn hoạn, chen chúc đưa trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1 vừa qua tại Hà Nội.
Tại cuộc họp báo, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay nước ta tiêm gần 30 loại vắc xin, trong đó TCMR là 12 loại, còn lại là các loại vắc xin dịch vụ.
Theo ông Phu, chỉ có vắc xin mới giải quyết được vấn đề phòng bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên việc tiêm vắc xin vẫn đang còn vẫn nhiều vấn đề. “Điều này chỉ xảy ra ở nước ta. Mỗi năm chúng ta khoảng 4,5 triệu liều vắc xin, tuy rằng vắc xin 5 trong 1 dịch vụ Pentaxim về Việt Nam lần này lên tới 200.000 liều nhưng vẫn dấy lên lo lắng cung không đủ cầu”, ông Phu nói.
Theo ông Phu, những năm gần đây, với việc thiếu vắc xin dịch vụ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các điểm tiêm chủng dịch vụ tiêm vắc xin Quinvaxem, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam luôn đạt trên 90%, nếu tỷ lệ tiêm chủng dưới 60% thì chắc chắn bùng phát bệnh. Ví dụ điển hình nhất đó chính là bệnh bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà ở Hà Nội...
Cục Trưởng Cục Y tế Dự Phòng cũng khẳng định: “Điểm tiêm chủng lộn xộn như ở Lương Thế Vinh là không được. Ngay sau đó, chúng tôi đã có công văn yêu cầu thực hiện tốt việc triển khai tiêm chủng. Chúng tôi quán triệt các điểm tiêm chủng cần phải phục vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức đảm bảo khoa học và đảm bảo tính an toàn khi tiêm chủng. Chúng tôi nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoặc tuồn vắc xin từ cơ sở nhà nước ra ngoài”.
Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của dư luận sau tình trạng chen lấn, hỗn loạn tại điểm tiêm chủng vừa qua.
Ông Phu cho biết, cần tổ chức khám sàng lọc đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đặc biệt với những trẻ đang gây sốt. “Nếu trẻ em dưới 6 tháng nên tiêm sau 1 tháng khi đã tiêm được 1 mũi Quivaxem hay Petaxim, bởi lẽ nếu không tiêm ngay thì sức khỏe của trẻ em sẽ không đảm bảo. Các bà mẹ nên chú ý, nếu cứ mải miết chạy theo các mũi tiêm chủng dịch vụ mà chờ đợi thì sẽ dễ dàng cho các dịch bùng phát trong thời gian chuyển mùa này”, ông Phu nói thêm.
Ngày 25/12, tình trạng hỗn loạn tại cơ sở tiêm chủng số 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội khiến nhiều phụ huynh có con nhỏ hoang mang. Trước vụ việc này, chiều tối cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc làm việc tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng thiếu vắc xin. Tại cuộc họp, ông Long đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ sở tiêm chủng xảy ra tình trạng hỗn loạn.