Tương lai tươi sáng cho xuất khẩu Vắc xin "Made in Vietnam"
Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đã công nhận vắc xin Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. Có thể nói, đó là thành quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi ngành Y tế Việt Nam.
Sau 15 năm nghiên cứu, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin ngừa virus Rota. Bộ Y tế cho hay, thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 tại châu Á và là nước thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin ngừa virus Rota.
Vắc xin ngừa rotavirus đã giúp hàng triệu trẻ em Việt Nam giải quyết gánh nặng bệnh tật và giúp nhà nước tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm.
Nói về thành tựu này của ngành y tế, tại Hội thảo về sản phẩm quốc gia vắc xin Việt Nam – Phát triển và hội nhập diễn ra sáng nay, 22/12, GS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định, hiện nay, Việt Nam đã tự sản xuất và cung cấp được 10 loại vắc xin cho người Việt.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong 4 quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất thành công vắc xin ngừa virus Rota. Đồng thời, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vắc xin mới.
"Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y tế, năm 2015 Việt Nam đã được WHO công nhận về việc đạt chuẩn quản lý quốc tế về vắc xin. Đó là những thành tựu của ngành y tế Việt Nam. Với sự công nhận của WHO, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu vắc xin ra thị trường thế giới", GS Long khẳng định.
Cũng tại hội thảo, liên quan đến tiêm chủng, GS.TS Phạm Ngọc Đính- Chuyên gia của Viện VS Dịch tễ TƯ cho biết, nhờ triển khai tiêm chủng mở rộng, trong 30 năm qua, Việt Nam đã dự phòng khoảng 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt) và phòng 42.900 ca tử vong do các bệnh này.
Tuy nhiên, theo GS.TS Đính, trên thế giới, tỷ lệ trẻ em được tiêm vắc xin là 1/5, có nghĩa là cứ 5 trẻ em thì một bé được tiêm vắc xin. Và tỷ lệ này ở Việt Nam đến nay vẫn chưa xác định được là bao nhiêu.
"Hiện nay chúng ta chưa có câu trả lời. Chúng ta phải làm thế nào để phát hiện tỉ lệ này, sau đó, cần thường xuyên cập nhật, để chủ động trong quản lý đối tượng tiêm chủng", GS Đính bày tỏ.
Nhìn nhận tích cực hơn, GS.TS Nguyễn Trần Hiển (Nguyên chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia) cho rằng, ở Việt Nam, tiêm chủng được coi là một can thiệp y tế thành công nhất và có chi phí hiệu quả cao nhất.
Tiêm chủng có có tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế và xã hội như việc làm tăng năng suất lao động, làm tăng tỷ lệ sống ở trẻ đẻ sống.
“Nhờ tiêm chủng, chúng ta có cơ hội tiết kiệm chi phí cho điều trị và giảm chi phí mất đi do bố mẹ và người chăm sóc trẻ không phải nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm”, GS Hiển khẳng định.