CPI và 3 dấu hỏi cho hiện tượng 10 năm có 1

26/12/2014 15:13 PM |

CPI năm 2014 kết thúc ở những con số thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Đây có phải là một tín hiệu vui cho một CPI tăng trưởng bền vững, hay sẽ quay vòng như lịch sử, giảm phát để rồi lạm phát?

Vì sao CPI năm 2014 là hiện tượng 10 năm có 1?

Đầu năm 2014, ít người có thể dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay kết thúc ở những con số thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Phát biểu tại hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam cơ hội và thách thức” sáng 26,12, bà Ngô Thị Ánh Dương – Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) – cho biết: CPI tháng 12/2014 so với tháng 12 năm trước tăng 1,84%, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,14%. CPI cả năm 2014 so cùng kỳ năm trước tăng 4,09%.

Trong năm 2014, có 9 tháng chỉ số giá tăng, 3 tháng giảm. Mức độ tăng, giảm giá các tháng trong năm khá nhẹ, ngoài 2 tháng đầu năm (tháng Tết) có mức độ tăng giá trên 0,5%/tháng, các tháng còn lại đều tăng, giảm giá không quá 0,5% và xuất hiện tình trạng giá giảm vào hai tháng cuối năm.

Hiện tượng này chỉ rơi vào năm 2008 khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và phải hơn 10 năm mới xảy ra một lần” – bà Dương cho biết.

Năm 2008, nếu không nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, CPI Việt Nam đã có thể tăng ít nhất lên 35%. Nhờ khủng hoảng kinh tế nổ ra vào tháng 7 năm đó nên CPI 4 tháng cuối năm âm, kéo CPI cả năm xuống còn gần 20% - vẫn là một mức tăng rất cao.

Lạm phát quá thấp và 3 vấn đề của CPI Việt Nam hiện nay

“Sức mua giảm, hàng hóa không tiêu thụ được, doanh nghiệp gặp khó khăn. Tăng trưởng GDP sụt giảm từ mức trung bình 7,2% giai đoạn 2000 – 2010 xuống mức 5,2 – 5,9% các năm 2011 – 2014. Xuất siêu chưa bền vững, chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – PV), còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lớn” – TS. Lê  Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin – Bộ Công thương cho biết.

Chỉ số CPI năm 2014 xét trong điều kiện Việt Nam là quá thấp, tuy chưa đến mức giảm phát. “Với mức lạm phát quá thấp, nếu để hiện tượng này kéo dài thì doanh nghiệp và toàn nền kinh tế sẽ gặp khó khăn”, ông Phương cảnh báo.

Chỉ số CPI giảm năm nay cũng đặt ra 3 dấu hỏi lớn.

Thứ nhất, CPI giảm thì năng suất lao động có tăng? Ông Phương cho biết, tuy năng suất lao động chưa tăng, nhưng hiệu quả có tăng, tuy chỉ là một chút về đầu tư. Năm nay, chúng ta tăng trưởng khoảng 6% (5,93%), tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 5,53%... Chúng ta đầu tư có xem xét hơn, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Mức GDP tăng trong lúc CPI giảm cũng đã thể hiện hiệu quả này một phần.

“Nhưng tăng thì chỉ tăng một chút, vì chúng ta chưa thay đổi một cách căn bản. Giờ muốn tăng trưởng cao nữa thì lạm phát lại quay lại”.

“Tình hình thế này, muốn tăng nữa phải tái cơ cấu, đổi mới công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực, chuyển xuất khẩu thô tài nguyên và gia công sang xuất khẩu công nghệ cao và những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phát triển công nghệ hỗ trợ”.

Thứ hai, CPI giảm đã bền vững chưa hay mới chỉ tạm thời? Quan điểm của ông Phương là chưa bền vững. Muốn bền vững vẫn phải tái cơ cấu nền kinh tế. “Lạm phát hiện giờ, chúng ta thắt chặt lại thì nó giảm, nới ra là nó tăng” – ông Phương giải thích.

Thứ ba CPI giảm có phải nhờ điều hành của Nhà nước và Chính phủ? Ông Phương cho rằng, CPI giảm có nhờ đóng góp của điều hành, nhưng ông cũng không phủ nhận mức giảm này là do may mắn, khi giá các loại nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam, dù có tăng mức tỷ lệ nội địa hóa, nhưng hầu như vẫn nhập khẩu nguyên vật liệu của thế giới gần như toàn bộ.

“Do lệ thuộc vào thế giới, khi giá nguyên vật liệu của thế giới giảm, giá chúng ta xuống ngay lập tức” – ông Phương giải thích.

>> Thủ tướng: Năm 2015 Việt Nam sẽ chủ động điều hành lạm phát 5%

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM