Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2015
Theo đánh giá của Ban Thư ký ASEAN, mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 đã đạt khoảng 81%.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu thực địa cho thấy, khoảng cách giữa mục tiêu và thực thi còn khá xa. Chính vì vậy, có người đặt ra câu hỏi: Liệu ASEAN có thực hiện đầy đủ các mục tiêu để tuyên bố AEC hình thành vào cuối năm nay?
Qua trao đổi của rất nhều học giả trong khối ASEAN cũng như khu vực Đông Á, có thể khẳng định, không vì không thực hiện được 100% mục tiêu đặt ra mà không tuyên bố sự ra đời của AEC.
Sự hình thành cộng đồng kinh tế này là một quá trình và sau năm 2015 sẽ thực hiện tiếp những gì chưa làm được với một tầm nhìn mới, thích ứng với những chuyển biến mới về công nghệ hiện đại.
Cho nên, bên cạnh tự do hóa, bên cạnh sự thịnh vượng và hợp tác, ASEAN sau 2015 cũng sẽ nhấn mạnh đến sáng tạo, đến khả năng chống đỡ với sự bất định của các cú sốc của bên ngoài, cũng như nhấn mạnh đến tăng trưởng xanh.
Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, cùng với quá trình hội nhập và mở cửa cải cách, thị trường Việt Nam có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất, gia nhập ASEAN gắn quá trình bình thường hóa quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, trong đó có cả những nước trước kia là thù địch. Khi đó, nếu không bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ thì rất khó để Việt Nam gia nhập ASEAN.
Thứ hai, khi tham gia ASEAN, Việt Nam chưa hiểu lắm về khái niệm tự do hóa thương mại, lợi ích cũng như thách thức kinh tế và lớn hơn là nhìn nhận sâu sắc thế nào là đầu tư nước ngoài.
Năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tác động của tự do hóa thương mại trong ASEAN. Lúc bấy giờ vẫn còn tư tưởng cho rằng ASEAN là một tập hợp của các nước đang phát triển, trừ Singapore.
Các nước tương đối nhỏ cho nên ASEAN khó có thể kéo Việt Nam đi lên. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, sự ghi nhận của ASEAN với Việt Nam là rất quan trọng.
ASEAN không chỉ là tự do hóa, phân bổ nguồn lực, là thị trường rộng lớn hơn để doanh nghiệp Việt Nam "chơi", mà là "một bài tập hữu ích" cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới.
Việt Nam tham gia ASEAN nhiều năm trước khi ký hiệp định thương mại tự do (BTA) với Hoa Kỳ và trở thành thành viên WTO, một sân chơi rộng lớn hơn, đẳng cấp hơn.
Bây giờ Việt Nam đã dám "chơi" với cả những hiệp định chất lượng cao nhất thế giới, như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sắp ký hiệp định thương mại tự do với EU. Đấy là những bước đi rất mạnh mẽ.
Việt Nam nhìn nhận ASEAN như một khối kinh tế để nâng cao vị thế, nâng cao khả năng "mặc cả”. Bằng cách kết nối với từng nước thành viên trong ASEAN, Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển để đuổi kịp các nước phát triển.
Không còn là những câu nói ngoại giao, Việt Nam bây giờ là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN, dù Việt Nam hiện nay chưa phải là nước phát triển.
Theo nhiều đánh giá, khi AEC hình thành, Việt Nam cũng như Lào và Campuchia là những nước hưởng lợi nhất. Cùng với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và các khối liên kết kinh tế, Việt Nam được đánh giá tích cực, đó là nhờ mở cửa thương mại, đầu tư và quan trọng hơn là Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế.
Vì vậy, Việt Nam rất ủng hộ bốn chữ C lớn (community - cộng đồng, connection - kết nối, center - trung tâm và cooperation - hợp tác) cũng như quá trình tự do hóa.
Một điều đáng tiếc là cùng với quá trình hình thành AEC, tham gia các khối liên kết kinh tế và ký các hiệp định thương mại tự do, thì hiểu biết của doanh nghiệp và người dân Việt Nam còn hạn chế. Một điều tra gần đây nhất của Việt Nam cho thấy, trên 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không biết gì về AEC.
Thậm chí, ở một điều tra khác còn chỉ rõ trên 60% lãnh đạo doanh nghiệp từ cấp phòng trở lên cũng không biết về mô hình này. Như vậy, tham gia ASEAN của Việt Nam vẫn là quá trình từ trên xuống, quá trình từ dưới lên còn rất hạn chế.
Sắp tới, ASEAN không dừng lại ở tầm nhìn sau năm 2015 mà còn có ý định chỉnh sửa Hiến chương ASEAN, đồng thời tăng cường thể chế của Ban Thư ký ASEAN mạnh mẽ hơn, thực thi có hiệu quả hơn.
Vì vậy, người dân và doanh nghiệp có thể lạc quan vào liên kết ASEAN, ngay cả khi chính sách của Việt Nam hay quá trình liên kết ASEAN chưa phải quá tốt, để không né tránh những thiếu sót, yếu kém của ASEAN hay Việt Nam, qua đó tiếp tục thay đổi và cải cách kinh tế và thể chế mạnh mẽ hơn.
>> Chung múi giờ: Lợi ích lớn cho ASEAN
TS. VÕ TRÍ THÀNH
- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương