Công bố Hiệp định TPP: “chưa là bản cuối cùng”

06/11/2015 09:00 AM |

Bộ Công thương cho biết chưa có bản tiếng Việt là do khối lượng tài liệu phải biên dịch rất lớn, đồng thời các thành viên vẫn đang rà soát pháp lý nên bản công bố lần này “chưa phải là bản cuối cùng”.

Dệt may và da giày sẽ hưởng lợi lớn

Chiều 5-11 (theo giờ Hà Nội), đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc, Bộ Công thương VN cùng 11 nước thành viên khác đã chính thức công bố toàn văn Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng tiếng Anh.

Giải thích lý do chưa công bố bản tiếng Việt, Bộ Công thương cho biết do khối lượng tài liệu phải biên dịch rất lớn, đồng thời lưu ý các thành viên vẫn đang rà soát pháp lý nên bản công bố lần này “chưa phải là bản cuối cùng”.

Cũng theo bộ này, tùy theo quy định pháp luật của mình, mỗi nước sẽ dành 60 - 90 ngày để người dân nghiên cứu trước khi ký kết chính thức. “Thời điểm ký kết chính thức chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý 1-2016” - Bộ Công thương nêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên đoàn đàm phán TPP của Bộ Công thương cho biết về nguyên tắc, Hiệp định TPP sẽ đưa thuế về 0%, trừ một số mặt hàng nhạy cảm.

Theo đó, các nước dành cho VN 70-90% số dòng thuế sẽ về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực nên nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN sẽ được hưởng lợi lớn.

Chẳng hạn với dệt may, hiện riêng thuế mỗi năm doanh nghiệp dệt may VN phải nộp khoảng 1,8 tỉ USD khi vào thị trường Mỹ.

Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, tùy mặt hàng, sản phẩm dệt may của VN sẽ giảm dần về 0%, số tiền này chắc chắn sẽ giảm mạnh, những doanh nghiệp VN (nếu đáp ứng các nguyên tắc xuất xứ trong hiệp định) sẽ được hưởng lợi.

Tương tự, số tiền thuế giảm của ngành giày dép cũng lên đến vài trăm triệu USD mỗi năm. Với các mặt hàng nhạy cảm VN mở cửa cũng đều có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị, kể cả các mặt hàng như nông sản, thức ăn chăn nuôi...

Tuy nhiên, một số lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, sẽ chịu sức ép rất lớn khi VN mở cửa thị trường, bởi các nước thành viên TPP đều có ngành nông nghiệp phát triển mạnh. Điều “an ủi”, theo vị này, là nhiều sản phẩm trong danh mục này đang được VN nhập khẩu với số lượng lớn nên cũng đã “quen với cạnh tranh”.

Hơn nữa, theo vị này, “TPP đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhưng ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị đối đầu sức ép thuế 0%”.

Một số sản phẩm công nghiệp như thép, giấy, ôtô cũng có thể bị gây khó khăn nhưng sức ép cạnh tranh không lớn vì những sản phẩm của VN nhắm đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi các nước TPP thường nhắm tới phân khúc cao cấp...

Theo Cầm Văn Kình

Cùng chuyên mục
XEM