Cổ phần hóa khó khăn, Vinalines được định giá tăng gần 3000 tỷ đồng

22/12/2014 07:49 AM |

Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) vừa hoàn tất quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa trong quý I năm tới.

Được định giá 21.100 tỷ đồng

Theo kết quả vừa được liên doanh các nhà nhà tư vấn tính toán, giá trị thực tế của công ty mẹ Vinalines tại thời điểm 31/12/2013 xấp xỉ 21.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 8.300 tỷ đồng.

Như vậy, so với giá trị trên sổ sách tại cùng thời điểm nói trên là vào khoảng 18.200 tỷ thì con số chênh lệch sau khi xác định lại tăng lên hơn 2.900 tỷ đồng.

Sau khi được Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty mẹ thông qua, kết quả này dự kiến sẽ được trình lên Bộ GTVT trong tháng tới để Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Dự kiến thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục IPO 5 doanh nghiệp là Cảng Nghệ Tĩnh, Cảng Sài Gòn, Cảng Cam Ranh, Cảng Năm Căn và Cảng Cần Thơ. Tổng công ty cũng đã thoái vốn được 17/37 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành.

Cũng theo ông Lê Anh Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải VN thì hiện nay Vinalines đã cổ phần hóa được 7 trong số 12 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa, với 6 đơn vị thành viên đã IPO như cảng Khuyến Lương, cảng Quy Nhơn, cảng Hải Phòng, cảng Nha Trang, cảng Đà Nẵng và cảng Quảng Ninh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines cho biết Nhà nước có thể bán 65-70% cổ phần tại doanh nghiệp này. Theo ông Trường bởi vận tải biển là ngành mà Nhà nước chủ trương không cần nắm cổ phần chi phối.

Tuy nhiên, theo Qyết định 37 của Thủ tướng ban hành hồi tháng 6 về tiêu chí, phân loại danh mục doanh nghiệp Nhà nước, đối với ngành vận tải biển, nhà nước vẫn nắm giữ từ trên 50 đến dưới 65% cổ phần. Trong khi với doanh nghiệp khai thác cảng biển quan trọng thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ còn cao hơn, từ 75% trở lên.

Được biết, tính đến năm 2013, vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là 10.693 tỷ đồng. Hiện Tổng công ty có 15 đơn vị trực thuộc; 31 công ty con và 38 công ty liên kết.

Vinalines được định giá tăng lên gần 3000 tỷ đồng

Vinalines được định giá tăng lên gần 3000 tỷ đồng

Theo báo cáo, của Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong năm 2013, Vinalines đã cổ phần hóa, chấm dứt hoạt động, giải thể 6 đơn vị, thoái vốn tại 7 công ty.

Tổng công ty cũng đã cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và hơn 20.400 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013–2014. Đồng thời, Vinalines đã hoàn thành thủ tục bổ sung 900 tỷ đồng vốn điều lệ.

Xin bán tàu để CPH, giá chỉ hơn sắt vụn

Đầu tháng 12/2014, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Trưởng ban chỉ đạo CPH Vinalines, yêu cầu xem xét lại toàn bộ đội tàu, chia làm hai nhóm. Trong đó, nhóm 1 là những tàu có thể tiếp tục hoạt động với tư cách sở hữu của đơn vị.

“Đây phải là những tàu trẻ, cơ cấu phù hợp với thị trường hàng vận chuyển hiện nay, để tiếp tục hoạt động sẽ có hiệu quả”, Thứ trưởng Trường nói. Nhóm thứ 2 là những tàu già, cũ, hỏng hóc nhiều mà kinh doanh kém hiệu quả sẽ phải bán ngay để cắt lỗ và trả nợ.

Nhóm 1 sẽ được bán cho Công ty Mua bán nợ VN (DATC). DATC và các ngân hàng (người cho vay khoản đầu tư mua tàu trước đây) sẽ thỏa thuận để có được giá mua phù hợp.

“Trong bối cảnh DATC muốn thấp, ngân hàng muốn giá kỳ vọng, vai trò của cầu trung gian rất quan trọng để hai bên có thể gặp nhau, sớm xử lý được khoản nợ này. Sau đó, Vinalines sẽ mua lại tàu từ DATC với giá gốc DATC đã bỏ ra, cộng với một khoản phí mua bán phù hợp”, Thứ trưởng Trường yêu cầu.

Thế nhưng, trước phương án bán tàu để trả nợ cho Vinalines tạo điều kiện CPH, chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 9/12, kỹ sư đóng tàu, ông Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Đóng Tàu Việt Nam VISIA, Hội Đóng Tàu Hoa Kỳ SNAME cho biết: "Giờ nếu bán ra, thì sẽ phải bán dưới giá mua bị đội giá, rồi sẽ dưới giá thật, bởi kinh doanh không có lời, nên tính ra chỉ trên giá sắt vụn một chút".

Đối với nhóm 2,  Vinalines sẽ mời các tổ chức tín dụng quốc tế vào đánh giá khách quan. Khoản nợ mua tàu liên quan đến những đối tượng nào, sẽ thống nhất với đối tượng đó về tỷ lệ chia tiền bán được, trả dứt điểm các khoản nợ đã vay mua tàu trước đó.

Mặt khác,để tiến hành CPH, Vinalines cũng đã từng kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo ông Lê Anh Sơn thì giá trị thực tế theo thị trường hiện nay của các tài sản này rất thấp. Nếu đưa vào giá trị doanh nghiệp đánh giá lại để CPH thì sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu tới 1.989 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được đồng ý, bởi đây đều là những con tàu giá trị sử dụng thấp.

Theo các chuyên gia, quá trình CPH Vinalines đang gặp nhiều khó khăn trong khâu định giá giá trị tài sản doanh nghiệp. Nhưng Vinalines và Bộ GTVT vẫn khẳng định sẽ cố gắng CPH đúng thời hạn là quý I/2015.

Và nguyên nhân của việc các con tàu kinh doanh không hiệu quả, theo kỹ sư Bình, đó là hệ quả của việc, nhiều công ty trực thuộc Vinalines hoặc do Vinalines nắm cổ phần chi phối hiện đang khai thác đội tàu bằng phương thức cho thuê định hạn (cho thuê trong một thời gian nhất định).

Theo giới kinh doanh vận tải, cách làm này có ưu điểm là chủ tàu rất khỏe, nhưng rủi ro lại lớn. Tình trạng cho thuê tàu, không thu được cước, tàu bị bắt và phải đóng tiền phạt đã xảy ra không ít.

>> Công ty mẹ Vinalines lỗ gần 4.500 tỷ đồng trong 2 năm 2012-2013

Theo Thái Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM