Cổ phần hoá: “Ai không muốn, đứng sang một bên”

15/11/2015 21:35 PM |

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Những lý do mà các anh đưa ra chẳng có gì là vướng cả”...

“Thủ tướng đã yêu cầu rồi, vậy chúng ta đã xử lý được trường hợp nào chưa để nêu tên trên báo luôn. Đừng để nói mà không làm, không làm rồi cũng không sao”.

Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ ngành, địa phương về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, chiều 13/11.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại hội nghị cho biết, trong năm 2015, cả nước dự kiến sẽ cổ phần hóa 210 doanh nghiệp, nâng số lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa lên 459 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch của giai đoạn 2011- 2015.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của các bộ ngành, địa phương tại hội nghị đều có điểm chung là cổ phần hoá vẫn “vướng mắc” ở nhiều khâu, trong đó khâu khó nhất là định giá doanh nghiệp, đất đai.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho hay, hiện Bộ này có hai tổng công ty vào loại lớn nhất của bộ này là Tổng công ty Xi măng và Tổng công ty Sông Đà vẫn chưa chốt được giá trị vì vướng mắc trong việc chuyển giao nhà máy xi măng Hạ Long.

Một người đồng cấp với ông Khánh tại Bộ Tài nguyên và Môi trường là ông Chu Phạm Ngọc Hiển cũng than phiền, do các doanh nghiệp của Bộ có đặc điểm là quản lý đất đai trải dài trên nhiều địa bàn nên việc thống nhất giá đất với địa phương là chuyện không dễ dàng.

Trong khi đó, một đại diện của UBND Tp.HCM cho biết, trong số 21 doanh nghiệp phải hoàn thành năm nay thì có tới 8 công ty có ngành nghề hoạt động chính là xây dựng và địa ốc. Nhưng phần lớn công ty nào cũng có dự án dở dang nên xác định giá trị rất vướng.

Đại diện một số địa phương khác thì cho rằng, gặp quá nhiều khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và đất đai khi cổ phần hoá các doanh nghiệp trên địa bàn.

Không bằng lòng với các lý do của các bộ ngành, địa phương, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, “những lý do mà các anh đưa ra chẳng có gì là vướng cả, Trung ương cũng đã xử lý từ lâu và đã làm được nhiều rồi”.

Chính vì thế, theo Phó thủ tướng, để quá trình cổ phần hoá đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra, các bộ, ngành, địa phương phải cương quyết hơn nữa trong chỉ đạo, đặc biệt là phải xử lý nghiêm những người đứng đầu các đơn vị không muốn hoặc chây ỳ trong cổ phần hoá.

“Các anh nên nói thẳng, để biết từ đây đến cuối năm còn có thể làm được bao nhiêu doanh nghiệp nữa, cần giải quyết cái gì. Còn nơi nào làm không được, doanh nghiệp nào không muốn cổ phần hóa, thì đứng sang một bên”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Phó thủ tướng yêu cầu, ngay từ thời điểm này, các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện cổ phần hóa thành công với các doanh nghiệp đã được xác định có thể hoàn thành trong năm nay.

Theo Bảo Quyên

Cùng chuyên mục
XEM