Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Gia nhập TPP, anh không thể “thích đủ thứ”

03/08/2015 15:20 PM |

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quan trọng nhất là phải biết mình mạnh ở đâu chứ không thể “thích đủ thứ” được.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: BizLive.

Trao đổi về sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam khi gia nhập TPP, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quan trọng nhất là phải biết mình mạnh ở đâu chứ không thể “thích đủ thứ” được.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VPER) – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội về tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam, ngành chăn nuôi tại Việt Nam tuy đứng thứ hai trong số nông nghiệp (sau trồng trọt) nhưng bị coi là kém cạnh tranh.

Cụ thể, ngành chăn nuôi Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ không đáng tin cậy và dựa chủ yếu vào chăn nuôi hộ thay vì các trang trại thương mại lớn như các nước phát triển. Các hộ chăn nuôi có thói quen sử dụng thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi, ít quan tâm về dịch bệnh vật nuôi, lệ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu giống và thức ăn, vệ sinh giết mổ và vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại.

Do đó, báo cáo đưa ra đánh giá ngành chăn nuôi Việt Nam với quy mô manh mún, không bền vững có thể sẽ phải chịu những tác động xấu từ các hiệp định thương mại tự do.

“Mình mạnh ở đâu?”

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, nông dân Việt Nam và ngành chăn nuôi từ lâu hay bị chi phối nhiều bởi cảm xúc trong việc phát triển chăn nuôi bò, gà và các loại hình khác. Tuy nhiên, thực tế chúng ta cũng phải tính xem, ngành chăn nuôi Việt Nam có lợi thế ở chỗ nào, yếu chỗ nào. Chúng ta không thể cạnh tranh ở tất cả các mặt hàng lĩnh vực: chăn nuôi, gia cầm, thủy sản, trồng trọt…

Theo bà Phạm Chi Lan, khi hội nhập, chúng ta phải chấp nhận có ngành thắng, ngành thua, không thể đầu tư theo kiểu cái gì cũng thích, dàn trải. Thực tế quá khứ đã chứng minh, một số ngành được đầu tư rất nhiều nhưng đến nay đã cho thấy thất bại rõ ràng. Do đó, những nhà làm chính sách nên có cái nhìn rõ ràng để chúng ta phát triển ngành nào, những ngành khác chấp nhận cho các mặt hàng nước ngoài vào. Có như thế mới có đủ lực để phát huy tối đa mặt hàng thế mạnh chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài được.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) .

Liên quan tới vấn đề cạnh tranh, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, ngành chăn nuôi ở Việt Nam hiện vẫn là sinh kế của hơn 10 triệu người dân. Tuy nhiên, quy mô tương đối nhỏ - chỉ chiếm 5% tổng sản phẩm của nền kinh tế.

Khi gia nhập TPP, ngành chăn nuôi sẽ là một trong những ngành chịu nhiều tác động nhất, cả về mặt tiêu cực và tích cực. Theo ông Chinh, khi hiệp định TPP được ký kết thì tất cả dòng thuế liên quan tới chăn nuôi, giống, trang thiết bị, vắc xin, thuốc thú y, động lực học, cơ khí học sẽ được nhập về mà ko phải chịu thuế. Đây là mặt lợi ích.

Thực tế chúng ta cũng có một số mặt hàng có khả năng cạnh tranh thấp như gạo, công nghiệp lông trắng không có lợi thế gì. Ví dụ như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam là công ty hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm lông trắng, khoa học, công nghệ, trình độ chăn nuôi không kém gì nước Mỹ. Nhưng người nông dân gia công cho CP thì 1 cân thịt gà hơi lông trắng sản suất có giá là 29.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo báo chí đưa tin, 1 cân đùi gà Mỹ có giá 20.000 đồng. Như vậy có thể thấy được sức cạnh tranh của ta hiện đang như thế nào.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, chúng ta cũng có những mặt hàng có thể cạnh tranh được như: gà lông màu, vịt, trứng vịt, các loại lợn nội có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn cắp nách…

Dù vậy, không thể phủ nhận nếu nói về sản xuất công nghiệp thì chúng ta rất khó cạnh tranh. 1kg thịt lợn ở chợ được bán khoảng 45.000đ – 55.000đ trong khi đó ở Chicago, Mỹ, 1kg thịt lợn chỉ có giá từ 85 - 90 cent (chưa tới 1USD, hơn 20.000đ).

Làm cách nào để cạnh tranh?

Nói về giải pháp làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam khi gia nhập TPP, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết về mặt chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ: đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được đưa vào thực hiện, hàng loạt các văn pháp luật khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp như Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 05/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã được ban hành.

Vấn đề là Nhà nước, Chính phủ bố trí nguồn ngân sách như thế nào để thực hiện các chính sách này để giúp doanh nghiệp, hộ nông dân giảm được giá thành sản xuất, tăng chất lượng để cạnh tranh được khi gia nhập TPP.

Nhưng về góc độ kỹ thuật hiện có 3 vấn đề cần giải quyết để giảm giá thành chăn nuôi nông hộ. Về mặt hàng giống hiện đang bị tác động bởi khâu trung gian từ 6 -7%, thức ăn chăn nuôi cũng bị trung gian tác động 9 - 10%, khâu bán thành phẩm cũng bị trung gian thu mua tác động 8-10%. Theo tính toán, khi tổ chức liên kết sản xuất lại bằng hình thức hợp tác xã, tổ, đội, nhóm và ký hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra sẽ giảm được giá thành chăn nuôi nông hộ trên 2%.

Một yếu tố nữa đó là hy vọng với sự đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như TH True Milk, Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai vào ngành chăn nuôi, với sức mạnh về kinh tế, quản lý, khoa học công nghệ sẽ giúp tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với nước ngoài.

Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM