Chính phủ Italia bán hàng nghìn siêu xe vì nợ

10/04/2014 11:15 AM |

Ngân hàng Nhà nước Italy cho biết, nợ công của nước này đã đạt kỷ lục - 2.100 tỷ euro, vượt 130% GDP, chỉ sau Hy Lạp. Để giảm nợ công, Italia đã bán bớt những chiếc ô tô thuộc sở hữu của Chính phủ.

Nợ đầm đìa
Ngân hàng Nhà nước Italy (Bank Italia) cho biết, nợ công của nước này đã đạt kỷ lục - 2.100 tỷ euro, vượt 130% GDP, chỉ sau Hy Lạp - quốc gia đã bị phá sản và đang vật lộn với các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy các gói cứu trợ của các định chế tài chính.
Tờ Financial Times cho rằng, nợ công đang trở thành gánh nợ lớn sau nhiều năm chi tiêu không kiểm soát của Chính phủ và giờ đây đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi - vị Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Italia đưa ra hàng loạt biện pháp để khôi phục đà tăng trưởng, cắt giảm các khoản chi tiêu công. Đồng thời, sẽ bán đấu giá 1.500 chiếc ô tô của Chính phủ để bù trừ cho khoản nợ công khổng lồ nói trên.
Ông Olli Rehn - Ủy viên Ủy ban Tài chính và tiền tệ EU cho rằng, cần có sự "theo dõi và quan tâm đặc biệt" với tình hình nợ công của Italia. Italia là nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng tiền chung euro, sau Đức và Pháp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nước này đã vật lộn với rắc rối tài chính do cuộc khủng hoảng nợ công. Tỉ lệ thất nghiệp của Italia cũng luôn gần 13%.
Rao bán siêu xe
Ngày 6/4 vừa qua đã kết thúc đợt đầu của đợt rao bán 1.500 chiếc xe của các cơ quan Nhà nước để tiết kiệm ngân sách. Trước đó, từ cuối tháng 3, 170 chiếc xe được rao bán làm 6 đợt, mỗi đợt 25 chiếc trên các trang mạng mua bán nổi tiếng. Động thái này cũng nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân.
Tờ báo Corriere della Sera cho biết, đa số những chiếc xe được đem ra rao bán lần này vốn được cơ quan cấp bộ và các bộ trưởng trong Chính phủ nhiệm kỳ trước sử dụng.

Nổi tiếng nhất trong những chiếc xe được rao bán là chiếc xe Mesarati 139 mà ông Ignazio La Russa - cựu Bộ trưởng Quốc phòng từng sử dụng. Năm 2011, một làn sóng chỉ trích dấy lên trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khi ông này ký mua 15 chiếc Mesarati 139 có giá 117.000 euro/chiếc.

Các biện pháp cắt giảm ngân sách của Italia khiến 85.000 nhân viên khối Nhà nước sẽ bị tinh giảm trong giai đoạn 2014-2016, giúp tiết kiệm ít nhất 3 tỷ euro lương và các chi phí hành chính khác. 

Đồng thời, sẽ tăng thu ít nhất 8 tỷ euro từ sáp nhập một số tỉnh và giải tán các cơ quan hành chính cấp tỉnh.

Một loạt xe BMW, Alfa Romeo 159, Audi A6 và Volvo S60 từng được các bộ Tư pháp, Nội vụ và một số cơ quan ngang bộ khác sử dụng cũng đã được rao bán.

Hãng tin ANSA của Italia dẫn lời người phát ngôn của Chính phủ cho biết, việc rao bán sẽ tập trung vào các loại xe đang có tài xế riêng.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ cho biết, việc rao bán trên mạng nhằm mục đích công khai và minh bạch việc này. Và lô xe của Bộ này đã có giá chào mua 82.000 USD.

Financial Times cho rằng, Thủ tướng Matteo Renzi nói với các cử tri rằng Chính phủ của ông đang tìm mọi cách cắt giảm chi phí công. Tuy nhiên, nhật báo này cũng dẫn lời các chuyên gia kinh tế rằng, sự cắt giảm này không đáng kể; bởi theo thống kê của trung tâm nghiên cứu Formez, các cơ quan

Nhà nước của Italia đã sử dụng hơn 58.000 xe công các loại và là quốc gia có nhiều xe công nhất Nhóm nước công nghiệp phát triển (G-7). Đi kèm theo đó là gần 1 tỷ euro cho việc mua, bảo dưỡng, chi phí nhiên liệu, lương lái xe.
Đây là động thái siết chặt việc chi tiêu trong các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, ông Matteo Renzi cũng đang trình Quốc hội xem xét việc cắt giảm chi phí hàng loạt ở các cấp chính quyền địa phương, giảm số lượng tỉnh, giảm bớt các khoản thu nhập kiêm nhiệm của lãnh đạo cấp cao địa phương, đồng thời đề xuất gói cải cách về việc làm và thuế thu nhập, trong đó có việc cắt giảm 10 tỷ euro thuế cho người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, điều đó có thể gây bất mãn trong một bộ phận công chức và hiện đang vấp phải sự phản đối của CGIL - nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italia.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM