"Chia tay" Ukraine và châu Âu, Nga bán dầu mỏ cho ai?
Khi mối quan hệ giữa Nga với EU và Ukraine gặp trắc trở, Moscow đã tìm cách thắt chặt quan hệ làm ăn với các nước châu Á đặc biệt là Trung Quốc, để đảm bảo doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Các công ty dầu mỏ của Nga đang tìm cách tách dần hoạt động của họ với Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh EU cũng đang từng bước củng cố vị trí là nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dài hạn. Kết quả là trong năm 2013 – 2014, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Đức, một trong những thị trường dầu mỏ quan trọng nhất của Moscow, đã sụt giảm. Ngoài ra, số tàu thuyền chở dầu của Nga sang Ukraine cũng giảm mất gần một nửa.
Khi mối quan hệ giữa Nga và Ukraine rạn nứt, châu Âu đã đưa ra quyết định đứng về phía Kiev. Và khi nền kinh tế ở Ukraine và EU gặp khó khăn, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga cũng sụt giảm theo. Theo Forbes, một thực tế không thể phủ nhận rằng phương Tây đang cố gắng tìm kiếm một nhà cung cấp dầu mỏ dài hạn mới để thay thế Nga.
Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga chuyển sang thắt chặt quan hệ làm ăn với các đối tác Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Trong năm 2014, tổng sản lượng dầu thô xuất khẩu của Nga đã giảm mất 5,6%. Trong khi, hoạt động xuất khẩu năng lượng lâu nay là yếu tố quan trọng tác động tới nền kinh tế Nga. Theo đó, dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm gần 70% sản lượng xuất khẩu của Nga. Song hành với việc giảm số lượng tàu thuyền chở hàng đi xuất khẩu, giá dầu giảm từ giữa thời điểm năm ngoái cũng đã khiến tổng sản lượng xuất khẩu năng lượng của Nga sụt giảm mất 11,4% trong năm 2014.
Điển hình, giá dầu thô Urals của Nga đã giảm từ mức 108,93 USD/thùng hồi tháng 6/2014 xuống còn 46,58 USD/thùng vào tháng 1/2015.
Tuy nhiên, việc đồng rúp xuống giá cũng đã phần nào cứu vãn tình cảnh khó khăn mà các tập đoàn dầu mỏ ở Nga đang phải đối mặt. Bởi giá bán dầu mỏ hiện được định giá bằng đồng đôla và euro. Khi mà các tập đoàn như Gazprom, Rosneft và Lukoil, 3 nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất tại Nga, nhận tiền mua năng lượng của đối tác bằng ngoại tệ, họ có thể đổi sang đồng rúp và nhận được số tiền lớn hơn.
Theo dữ liệu phân tích của CEIC, doanh thu của chính phủ Nga từ nguồn thu thuế hải quan xuất khẩu dầu thô đã tăng lên thành 2,6 ngàn tỷ rúp trong năm 2014 so với mức 2,3 ngàn rúp USD vào năm 2013. Đây là mức thu kỷ lục trong những năm gần đây của Nga.
Trong khi đó, các nước Liên Xô cũ nằm trong Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS) chiếm 10,8% trong tổng sản lượng xuất khẩu dầu thô trên thế giới (223,4 triệu tấn) vào năm 2014. Tuy nhiên, xét về giá trị, doanh thu xuất khẩu dầu thô từ các nước không nằm trong khối CIS lại thu về 145,6 tỷ USD tương đương với gần 95% tổng doanh thu xuất khẩu dầu thô trên toàn cầu vào năm 2014.
Những khách hàng lớn nằm trong khối Liên Xô cũ mua dầu mỏ của Nga là Belarus, Kazakhstan và Ukraine. Cho tới nay, Belarus vẫn là quốc gia nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ từ Nga. Theo đó, Belarus đã tăng khối lượng nhập khẩu lên 73,1% từ mức 3,4 triệu tấn vào quý I năm 2011 lên 5,9 triệu tấn vào quý III năm 2014.
Trái lại, số lượng dầu mỏ xuất khẩu từ Nga sang Kazakhstan đã sụt giảm mạnh trong năm 2014 từ 2,3 triệu tấn trong quý IV năm 2013 xuống còn 100.000 tấn vào qúy III năm 2014. Nguyên nhân là do quốc gia này sử dụng chính nguồn năng lượng tự khai thác thay vì nhập khẩu từ Nga. Và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Ukraine cũng gặp cảnh giảm mạnh.
Để cứu vãn tình hình làm ăn khó khăn, kể từ hồi năm ngoái, thời điểm phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trước cáo buộc Moscow hỗ trợ cho phe ly khai tại miền đông Ukraine, các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga đã chuyển sang thắt chặt quan hệ làm ăn với đối tác Trung Quốc.
Trên thực tế, kể từ năm 2009, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đã dịch chuyển nhiều hơn sang khu vực châu Á. Lý do là hệ thống cơ sở hạ tầng vận chuyển dầu mỏ của Nga ở vùng Siberia đang được phát triển nở rộ nhằm nhanh chóng đưa dầu mỏ của Moscow xuất khẩu sang các đối tác châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Điển hình, giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu nối vùng Đông Siberia – Thái Bình Dương đã được hoàn thành vào năm 2009 và kéo dài tới khu vực bờ biển Thái Bình Dương vào năm 2012 nhằm giúp Nga đạt khả năng vận chuyển năng lượng tối đa trong năm nay.
Kết quả là, thay vị trí của Đức và chỉ xếp sau Hà Lan, Trung Quốc hiện là khách hàng nhập khẩu năng lượng lớn thứ hai của Nga. Dữ liệu thống kê của CEIC cho thấy Trung Quốc đã nhập 8,2 triệu tấn dầu thô của Nga trong quý III năm 2014.
Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Hàn Quốc cũng đã đạt kỷ lục 3,2 triệu tấn trong quý III năm 2014. Cùng thời điểm này, Nhật Bản đã nhập 2,1 triệu tấn dầu của Nga, đưa Tokyo lần đầu tiên có mặt trong danh sách 10 quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất trên thế giới.
"Khi mối quan hệ với các đối tác châu Âu gặp trắc trở, thị trường châu Á đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Nga. Trong đó, các bản hợp đồng ký kết với Trung Quốc là yếu tố quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga", nhà phân tích Alexander Dembitski của CEIC nhận định.
Theo Minh Thu