Cạnh tranh cấp tỉnh: Đà Nẵng quán quân, TPHCM lọt Top 5, Hà Nội vẫn lừng chừng
Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014. Còn TPHCM, lần đầu tiên trong 10 năm, bước vào nhóm 5 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.
Nội dung nổi bật:
- TPHCM, lần đầu tiên trong 10 năm, bước vào nhóm 5 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Hà Nội dù tiến 7 bậc, vẫn đứng ở vị trí rất xa - 26
- Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân lần thứ 5.
- Điều tra PCI cũng cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực Chi phí không chính thức, Tính năng động và Tiếp cận đất đai.
Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố sáng nay, 16/4.
Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87 trên thang điểm 100. Thành công này đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền Thành phố có nhiều hoạt động thiết thực, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Theo sát Đà Nẵng là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm) – hai cái tên khá quen thuộc trong nhóm đứng đầu của bảng xếp hạng hàng năm.
Năm nay là lần đầu tiên trong 10 năm, trung tâm kinh tế lớn – TPHCM bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước với 62,73 điểm. Vị trí thứ 5 thuộc về Quảng Ninh với 62,16 điểm.
Trung tâm kinh tế lớn thứ hai của Việt Nam – Hà Nội – dù tiến 7 bậc, vẫn ở vị trí rất xa - 26.
“Với Hà Nội và TPHCM, để làm doanh nghiệp hài lòng, để tạo sự thay đổi lớn là rất khó khăn”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết. “ Ở hai thành phố này, số lượng doanh nghiệp lớn, kỳ vọng của doanh nghiệp nhiều. Cho nên, tôi nhấn mạnh: Sự thay đổi của TPHCM là rất tích cực”.
Nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh. Đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay là trường hợp của Tuyên Quang – tỉnh đã vươn lên mạnh mẽ từ vị trí 63/63 trong 2 năm trước. Công tác điều hành của tỉnh đã được cải thiện hơn nhờ các nỗ lực tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Nhờ vậy, Tuyên Quang đã vươn lên vị trí 50/63 trong PCI 2014.
Theo báo cáo, nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Năm nay, điểm tỉnh trung vị của PCI tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm ghi nhận mức độ thay đổi tích cực về chất lượng điều hành từ các tỉnh.
3 lĩnh vực doanh nghiệp bi quan nhất trong 10 năm gần đây
Khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian. So với kết quả chỉ số PCI năm trước, một tỉnh trung bị cho thấy:
- Thời gian chờ đợi của doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động giảm đi;
- Chất lượng và hiệu quả vận hành của các bộ phận Một cửa tăng lên;
- Doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, vai trò của các hiệp hội địa phương được khẳng định;
- Mức độ hài lòng về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tăng lên.
Tuy nhiên, điều tra PCI cũng cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực Chi phí không chính thức, Tính năng động và Tiếp cận đất đai. Đánh giá cả ba lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI trên tất cả các tỉnh, thành phố.
Kết quả điều tra cho thấy, đánh giá sự năng động, sáng tạo ở các cấp chính quyền cũng chỉ tương đương mức năm 2013 (53%). Rõ ràng, đã có rất nhiều sáng kiến cải cách được đưa ra, song hiệu quả thực thi ở các cấp dưới, cụ thể là các sở ngành lại không thể hiện được tinh thần của những sáng kiến này. Năm nay, tỷ lệ đồng tình với nhận định này đã tăng lên 77%, cao nhất và cũng gấp đôi mức năm 2006” – báo cáo cho biết.
Trong một diễn đàn mới đây, về thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ này đã giảm được 30 thủ tục hành chính đối với địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, giảm 9 thủ tục đối với địa phương chưa thành lập...
Tuy nhiên, trước chất vấn của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc về việc giảm một nửa thời gian làm thủ tục hành chính đất đai trên giấy tờ, thì có đảm bảo việc giảm này thực hiện được ở cấp độ địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết Bộ chưa đảm bảo được dù đã có chế tài.
PCI bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của USAID.
Các con số chính của PCI trong 10 năm công bố (2005 – 2015)
* 80.589 lượt doanh nghiệp dân doanh và
* 7.799 lượt doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI
* 63/63 tỉnh, thành có chương trình đánh giá, cải thiện PCI
* 147 văn bản pháp lý các cấp được ban hành về cải thiện PCI
* 255 hội thảo chẩn đoán cấp tỉnh và
* 12 hội thảo cấp vùng về PCI
>> TPHCM hút mạnh dòng vốn ngoại, BMI hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam
Thanh Thủy