Cảnh sát biển Việt Nam: 'Nếu tiếp tục đâm, chúng tôi sẽ đáp trả'
Hiện tại, chỉ có tàu phía Trung Quốc chủ động gây hấn và đâm vào tàu của Việt Nam. Chúng ta chống cự, nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn...
Chiều nay, ngày 7/5/2014, Bộ ngoại giao Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Buổi họp báo bắt đầu, Bộ ngoại giao Việt Nam công bố những băng hình tư liệu về những cuộc xâm lấn của Trung Quốc, những vụ tấn công của tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại Việt Nam.
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết hiện nay số lượng tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan đã tăng lên hơn 60 chiếc , trong đó có cả tàu quân sự, các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật, tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn AP về thiệt hại về người, đại diện phía Việt Nam khẳng định đến thời điểm hiện nay, chưa có sự thiệt hại về tính mạng phía Việt Nam. Tuy nhiên, đã có 6 người thuộc lực lượng kiểm ngư bị thương phần mềm do những gây hấn từ phía Trung Quốc.
Việt Nam giữ hòa bình đến cùng
Các phóng viên nhìn chung quan tâm đến những hướng xử lý trong thời gian tới từ phía Việt Nam, khi Trung Quốc rõ ràng ngày càng hung hăng, và chưa có điểm dừng. Theo lộ trình, giàn khoan phía Trung Quốc đã được định vị, sau đó sẽ chính thức khoan.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những động thái tương tự trên vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc sử dụng giàn khoan của chính nước họ, thay vì thuê giàn khoan của các nhà thầu nước ngoài như những lần trước (và bất thành – nhờ Việt Nam đấu tranh trực tiếp với các nhà thầu).
Về phía Việt Nam, Bộ ngoại giao Việt Nam kiên trì biện pháp đấu tranh hòa bình, như chính truyền thống yêu hòa bình của đất nước ta mấy nghìn năm qua. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc liên tục chủ động điều tàu tấn công tàu Việt Nam, Việt Nam, mặc dù chưa tấn công, nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. “Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng có những tự vệ tương tự để đáp trả” – đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - khẳng định.
Bộ ngoại giao Việt Nam cũng lưu ý, theo công ước quốc tế về luật biển, hiện các tàu bè, phương tiện nổi nếu cứ lững thững di chuyển trên vùng biển đặc quyền kinh tế, thi không sai luật. Chỉ khi nào họ chính thức khoan thăm dò, thì mới vi phạm chủ quyền. Việt Nam đang theo dõi sát sao hoạt động của giàn khoan HD-981 và sẽ ứng phó kịp thời.
Lực lượng hải quân Việt Nam chưa tham gia
Lực lượng hải quân Việt Nam chưa tham gia, chưa có mặt trên vùng biển tranh chấp. Hiện tại, phía Việt Nam mới chỉ có lực lượng kiểm ngư và lực lượng cảnh sát biển tham gia bảo vệ vùng biển và sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Ý thức mức độ nghiêm trọng của vấn đề, vấn đề sẽ được đưa ra tại diễn đàn ASEAN sắp tới.
Trước thông tin cho rằng lực lượng vũ trang Việt Nam đã khống chế một số ngư dân Trung Quốc. Ông Ngô Ngọc Thu cho biết các lực lượng thực thi pháp luật không hề bắt giữ, khống chế các đối tượng Trung Quốc ở trên biển.
Buổi họp báo nhanh chóng kết thúc sau 1 tiếng tiến hành. Một số câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nỗ lực và lập trường phía Việt Nam đã được khẳng định. Chúng ta sẽ kiên trì đấu tranh đến cùng để bảo vệ từng tấc đất của cha ông.
Minh Thư