Cải cách môi trường kinh doanh: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi!

23/01/2015 09:50 AM |

Cải cách môi trường kinh doanh để tạo nên một khu vực kinh tế doanh nghiệp năng động được xem là chìa khoá quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Theo Ủy ban các nhà tài trợ cho phát triển doanh nghiệp (viết tắt là DCED), môi trường kinh doanh có thể được định nghĩa như là một sự phức hợp của các chính sách, thể chế và các quy định pháp lý chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các chủ thể trong nền kinh tế.

Môi trường kinh doanh thường là một đơn vị nhỏ hơn môi trường đầu tư, nó bao gồm các cơ chế quản lý và thực thi được thành lập để thực hiện các chính sách của Chính phủ, cũng như các thể chế ảnh hưởng đến cách chủ thể chính hoạt động (ví dụ, các cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý và các tổ chức thành viên kinh doanh bao gồm cả các hiệp hội doanh nhân, các tổ chức xã hội dân sự, công đoàn).

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2013 Robert Shiller khẳng định rằng một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển bền vững là sự phát triển năng động và sáng tạo của khu vực doanh nghiệp.

Do vậy, trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng nhờ tích luỹ vốn và thâm dụng lao động, sang tăng trưởng dựa trên công nghệ, sáng tạo, rất cần có sự năng động của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế. Do đó, cải cách môi trường kinh doanh để tạo nên một khu vực kinh tế doanh nghiệp năng động được xem là chìa khoá quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Hiện trạng môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam như thế nào?

Ngày 29/10/2014, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố “Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2015”, trong đó kết quả về “Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh” tại Việt Nam đạt thứ hạng 78 trên 189 nền kinh tế, tụt 6 bậc so với năm 2014. Đây là chỉ số tổng chung về môi trường kinh doanh. Chỉ số chung này là kết quả tổng hợp của 10 chỉ số thành phần có tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bảng: So sánh các chỉ số thành phần của Việt Nam trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015 (DB2015) và năm 2014

Như vậy theo kết quả này, vị trí xếp hạng về chỉ số chung và hầu hết các chỉ số thành phần cho môi trường kinh doanh Việt Nam vào năm 2015 đều tụt hạng so với năm 2014.

Chỉ có một vài chỉ số thành phần như “Cấp phép xây dựng” và “Đăng ký tài sản” chỉ tăng với mức độ khiêm tốn.

Trong khi đó có đến năm chỉ số tụt từ một đến sáu hạng bao gồm “Thương mại xuyên biên giới”, “Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số”, “Nộp thuế”, “Đăng ký kinh doanh”, và “Vay vốn”.

Các chỉ số còn lại như “Kết nối điện”, “Thực hiện hợp đồng”, và “Giải quyết tình trạng phá sản” không thay đổi vị thứ.

Về chỉ số chung cho sự thuận lợi của môi trường kinh doanh, Việt Nam chỉ xếp ở vị trí “trung bình khá” trên thế giới. Với thực trạng về xếp hạng môi trường kinh doanh chưa ở mức cao, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh của mình nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế trong mối tương quan với các quốc gia khác, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á.

[Xem thêm: Việt Nam xếp hạng 78 về môi trường kinh doanh năm 2015]

Tại sao phải cải cách môi trường kinh doanh?

Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố cho nền kinh tế bền vững và tăng trưởng. Cải cách môi trường kinh doanh giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhằm khuyến khích cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động phát triển khác trong các khu vực sản xuất và phi sản xuất khác của nền kinh tế. Một môi trường kinh doanh thuận lợi là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp nền kinh tế thu hút được đầu tư không chỉ trong nước mà còn từ ở các quốc gia khác trên thế giới.

Bởi vì tầm quan trọng của cải cách môi trường kinh doanh nên tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm 2014 (VDPF) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức vào tháng 12 năm 2014, người đứng đầu chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định “năm 2015 sẽ là năm cải cách mạnh thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.”

Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm 2014 cũng tập trung vào vấn đề  khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân với hai chủ đề chính: Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân và cải cách thể chế.

Rõ ràng cải cách môi trường kinh doanh đang được nhận diện như là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới đây.

Những phạm vi và sáng kiến nào để cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam?

Cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam là quá trình hỗ trợ và hợp tác giữa các đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trong nền kinh tế, sự hợp tác và hỗ trợ để thực hiện cải cách môi trường kinh doanh cần được thực hiện ở các phạm vi khác nhau như môi trường kinh doanh ở mức độ quốc gia, mức độ địa phương, và mức độ ngành.

Trong đó, để hỗ trợ cải cách môi trường kinh doanh quốc gia, các cơ quan phát triển làm việc với các cơ quan quản lý ở cấp chính phủ, hay bộ trực thuộc chính phủ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các tổ chức thành viên kinh doanh quốc gia và các tổ chức của người lao động ở cấp nhà nước (như Tổng liên đoàn lao động) để giúp họ cải cách tốt hơn các chính sách hiện tại, và các quy định và cân nhắc lựa chọn chính sách cải cách và các lựa chọn phù hợp với bối cảnh.

Chương trình cải cách quốc gia có thể có một tác động đáng kể đến môi trường kinh doanh bằng cách cải thiện sự cạnh tranh trong thị trường trong nước cũng như tiếp cận với các thị trường nước ngoài, nâng cao hiệu quả của các tổ chức quốc gia (nhà nước và tư nhân), tăng cường các quy định của pháp luật, và tạo ra một khu vực doanh nghiệp hoạt động dựa trên một khung pháp lý hoàn thiện.

Hỗ trợ cải cách ở cấp quốc gia cũng liên quan đến việc tạo điều kiện và thể chế hóa đối thoại giữa khu vực công và tư nhân, bao gồm cả những nỗ lực đặc biệt để tham khảo ý kiến với phụ nữ, người lao động và doanh nghiệp phi chính thức. Điều này được thực hiện để nâng cao chất lượng quản trị bằng cách cung cấp các khu vực tư nhân với cơ hội nhận xét, đánh giá và giám sát cải cách quy định, đồng thời thúc đẩy mức độ cao hơn của tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Hỗ trợ cải cách môi trường kinh doanh địa phương là sự tương tác giữa các cơ quan phát triển và cơ quan quản lý của chính quyền địa phương dựa trên các quy định tồn tại trong môi trường kinh doanh địa phương như khía cạnh pháp lý của tỉnh, khu vực và địa phương. Trong khi mối quan hệ hành chính, cải cách môi trường kinh doanh địa phương là một mức độ quản lý thừa hành ở cấp địa phương so với cơ quan quản lý cấp cao của chính phủ. Do vậy, các chính quyền địa phương phải có khả năng điều tiết và thực thi tốt để thiện hiện thành công cải cách môi trường kinh doanh ở địa phương mình theo sự phân công của chính phủ.

Hỗ trợ cải cách môi trường kinh doanh theo từng ngành sản xuất-kinh doanh cụ thể nhằm tăng tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các ngành cụ thể với các đặc thù riêng biệt trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, những cách tiếp cận để cải cách môi trường kinh doanh ở mức độ ngành ở Việt Nam cho phép phân tích sâu hơn trong những ngành chiến lược nhất cho sự phát triển quốc gia, và tăng trưởng kinh tế vì người nghèo như ngành kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Do vậy, các chính sách phát triển ngành là yếu tố quan trọng của hoạt động kinh tế nhằm tạo liên kết nhân quả giữa các môi trường kinh doanh và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Hơn nữa, hỗ trợ cho cải cách môi trường kinh doanh ngành ở Việt Nam có thể bổ sung và tăng cường tác động của các sáng kiến phát triển khu vực khác với các tiểu ngành như thúc đẩy các cụm công nghiệp. Ở Việt Nam các tác động vì người nghèo của cải cách môi trường kinh doanh trong nông nghiệp có thể sẽ là đáng kể.

Thực hiện cải cách môi trường kinh doanh theo quy trình như thế nào?

Cải cách môi trường kinh doanh có thể được thực hiện theo bốn bước như sau. Bước thứ nhất,  chẩn đoán và đánh giá môi trường kinh doanh. Bước thứ hai, thiết kế các chương trình hỗ trợ cải cách. Bước thứ ba, thực hiện chương trình hỗ trợ cải cách. Cuối cùng, bước thứ tư là giám sát và đánh giá các chương trình hỗ trợ cải cách môi trường kinh doanh.

Lời kết

Tạo nên một khu vực doanh nghiệp phát triển năng động, và sáng tạo được xem là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới, một giai đoạn cho sự chuyển giao của mô hình tăng trưởng kinh tế từ việc tang trưởng chỉ phần lớn dựa vào tích luỹ vốn và thâm dụng lao động trong những năm qua đến tăng trưởng dựa vào sáng tạo và tri thức trong những năm tới. Do vậy, cải cách môi trường kinh doanh được xem là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.

>> Xếp hạng: Chúng ta thích được khen, không thích bị chê

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM