Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nguy cơ tụt hạng vì thuế
Ngày 15/1, các chuyên gia nước ngoài cảnh báo, môi trường kinh doanh năm nay của Việt Nam có thể tụt hạng nếu đưa thêm quy trình hậu kê khai thuế vào bộ chỉ số để đánh giá.
Mất điểm vì thanh tra, hoàn thuế?
Tại hội thảo “Chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam” (do Tập đoàn Tài chính Quốc tế, thành viên Ngân hàng Thế giới - World Bank tổ chức), bà Joanna Nasr, đồng tác giả báo cáo Môi trường kinh doanh của World Bank cho biết: Việt Nam đang đi đúng hướng khi những cải cách của ngành thuế đang giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ dễ dàng hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, cũng theo bà Joanna Nasr, trong năm tới, World Bank sẽ thay đổi cách tính trong báo cáo môi trường kinh doanh theo hướng mở rộng các chỉ số đo lường.
Theo đó, thay vì chỉ đo lường khâu chuẩn bị, kê khai và nộp thuế, sẽ đưa thêm các chỉ số liên quan đến hậu nộp thuế để tính toán. Trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016, chỉ số nộp thuế sẽ được mở rộng để đo lường các quy trình sau kê khai, vốn cũng là một gánh nặng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Cụ thể, các chỉ số mới gồm: quy trình thanh tra, khiếu nại về thuế và hoàn thuế.
“Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực châu Á với 872 giờ mỗi năm, đứng vị trí 149 trên tổng 189 quốc gia trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh hạng mục nộp thuế”.
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2014
Những thay đổi này của World Bank khiến bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam lo lắng khi cho rằng: Chỉ số mới có thể khiến môi trường kinh doanh Việt Nam tụt hạng.
Bà Cúc nhận định: Những khoản thuế được hoàn lấy từ ngân sách Nhà nước (NSNN) nên thủ tục hiện tại phải đảm bảo chặt chẽ. Song, thực tế tình trạng gian lận hóa đơn chứng từ vẫn tồn tại nhiều.
Nếu cơ quan chức năng làm không chặt rất dễ dẫn tới tình trạng “hoàn thuế khống”. Tuy nhiên, quy trình hoàn thuế chặt chẽ có thể khiến thời gian thực hiện công đoạn này tăng lên, chắc chắn ảnh hưởng tới vị trí của Việt Nam nếu World Bank tính chỉ số này vào báo cáo.
Theo bà Cúc, công tác thanh tra thuế cũng đáng lo bởi thực tế nhiều cơ quan chức năng khi thanh tra không sử dụng số liệu của thanh tra thuế hoặc còn nghi ngờ. Tuy nhiên, bà Cúc cũng cho rằng cảnh báo trước của World Bank sẽ giúp ngành Thuế có thời gian xử lý, cải cách ngay từ bây giờ để không bị tụt hậu.
Thành lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế
Giải pháp mà đại diện World Bank đưa ra là: Việt Nam nên xem xét lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế. Theo bà Joanna Nasr, hình thức này có thể thực hiện hỗ trợ trực tuyến, qua điện thoại hoặc thư điện tử cho người nộp thuế. Việt Nam có nhiều thông tư, nghị định nhưng người nộp thuế chưa hẳn có thể hiểu rõ, nên cần sự hướng dẫn từ trung tâm này. Việc kê khai và nộp thuế điện tử là một phần vô cùng quan trọng và Việt Nam triển khai rộng rãi bao nhiêu càng thuận lợi bấy nhiêu.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, những chính sách đưa ra có thể dừng trên giấy tờ nếu không triển khai tốt. Thực tế, ngay cả cán bộ thuế tại một số địa phương còn nắm chưa hết được nội dung cải cách.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, báo cáo tuy không phản ánh toàn diện năng lực của cơ quan thuế, nhưng là kênh cung cấp thông tin hữu ích với cái nhìn từ phía người nộp thuế.
Từ đó, giúp ngành thuế tự nhìn nhận lại và đề ra chương trình cải cách mạnh mẽ hơn. Ngành thuế sẽ tiếp tục cùng các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính đạt mục tiêu 171 giờ vào cuối năm.
>> Việt Nam xếp hạng 78 về môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015
Theo Tuấn Đức