Các đồng tiền châu Á phục hồi
Các đồng tiền châu Á đã vực dậy trong phiên 13/8 sau hai ngày sụt giảm tệ hại nhất trong 17 năm qua sau khi Trung Quốc tái khẳng định nước này sẽ không can dự vào một "cuộc chiến tiền tệ".
Nhà đầu tư hiện đang chuyển hướng chú ý sang số liệu về doanh thu bán lẻ tại Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này mà nếu là một con số tích cực thì sẽ dẫn đến đồn đoán rằng có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất trong năm nay.
Các đồng nội tệ của các thị trường đang nổi, trong đó có rupiah của Indonesia, peso của Philippines và won của Hàn Quốc, đều tăng nhẹ so với đồng USD sau khi Trung Quốc ngày hôm nay (13/8) hạ giá thêm 1,11% tỷ giá của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, ghi dấu lần điều chỉnh thứ ba trong ba ngày liên tiếp.
Đợt giảm tỷ giá thứ ba này nhỏ hơn hai lần điều chỉnh trước đó và thông tin từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức Ngân hàng trung ương) cho biết động thái can thiệp của PBoC là nhằm bình ổn đồng NDT đã khiến thị trường tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ không để đồng NDT mất giá thêm nữa.
Patrick Bennett, chiến lược gia tại Canadian Imperial Bank of Commerce ở Hong Kong cho rằng, điều tồi tệ nhất có thể đã qua và tuyên bố của PBoC đã trấn an được thị trường.
Tại Tokyo vào cuối chiều 13/8, 1 USD đổi được 124,49 yen, tăng nhẹ so với 124,24 yen vào cuối phiên trước trên thị trường New York. Trong khi đó, euro đổi được 1,1122 USD và 138,46 yen, thấp hơn so với 1,1159 USD và 138,63 yen tại New York cuối phiên trước. Đồng bạc xanh phiên này giảm giá so với phần lớn các đồng tiền khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, trong phiên 12/8, các đồng tiền khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trượt giảm mạnh so với đồng USD sau khi Trung Quốc trong hai ngày liên tiếp hạ giảm tỷ giá của đồng NDT, trong đó đồng ringgit của Malaysia đã giảm xuống mức thấp nhất 17 năm.
Tuy đã phục hồi trong phiên hôm nay, song các nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng các đồng tiền của khu vực này vẫn đối mặt với nguy cơ rủi ro sau hai phiên bị bán tháo mạnh nhất kể từ năm 1998 vừa qua.