Các cuộc đàm phán về TPP có thể sẽ hoàn tất trong tuần tới
Dự kiến, vào ngày 28/7 tới, bộ trưởng thương mại của các nước sẽ tham gia các cuộc thương thuyết trong một nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Nếu hoàn tất, TPP sẽ cắt giảm thuế quan và những rào cản thương mại giữa các nước thành viên, điều mà những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn phức tạp và gây nhiều tranh cãi đang gần hoàn tất khi các nhà thương thuyết hàng đầu từ 12 quốc gia tề tựu về Hawaii hôm 24/7.
Dự kiến, vào ngày 28/7 tới, bộ trưởng thương mại của các nước sẽ tham gia các cuộc thương thuyết trong một nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Nếu hoàn tất, TPP sẽ cắt giảm thuế quan và những rào cản thương mại giữa các nước thành viên, điều mà những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các nước tham gia TPP bao gồm Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru và Mỹ, tổng cộng chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.
Tại Mỹ, những người chỉ trích TPP bao gồm những nhà tranh đấu vì môi trường và công đoàn. Họ nói rằng thỏa thuận này làm được quá ít để bảo vệ quyền con người, môi trường và việc làm ở Mỹ, trong khi việc dung hòa tiêu chuẩn lao động và luật môi trường có thể làm suy yếu những biện pháp bảo vệ người lao động mà khó lắm mới đạt được ở Mỹ hoặc ở những nước khác.
Các công đoàn thì lo lắng rằng những biện pháp bảo vệ quyền lao động yếu kém ở một số nước đối tác thương mại của Mỹ sẽ giữ cho chi phí sản xuất ở mức thấp và khuyến khích các công ty chuyển thêm công ăn việc làm ra khỏi Mỹ tới những nước này.
Một chuyên gia về các vấn đề kinh tế của châu Á, Charles Morrison cho biết, TPP là một "cuộc thương thuyết phức tạp" và kết quả là "hãy còn chưa chắc chắn."
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Morrison lưu ý rằng ngay cả khi các nhà thương thuyết đạt được thỏa thuận, nó vẫn sẽ phải qua quá trình phê chuẩn ở mỗi nước, bao gồm cả ở Thượng viện Mỹ. Ông nói rằng kết quả đàm phán có thể sẽ làm thất vọng một số nhóm doanh nghiệp, những nhà hoạt động môi trường hoặc những người muốn các quan chức thương thuyết quyết liệt hơn. Nhưng ông nói rằng nếu không có "cho đi" thì sẽ không có "nhận về" trong bất kỳ cuộc thương thuyết nào.
Ông Morrison nói, nếu không đạt được một thỏa thuận thì người tiêu dùng ở nhiều nước sẽ không được hưởng những lợi ích như chi phí thấp hơn, thương mại hữu hiệu hơn. Ông cũng cho biết nhiều quốc gia này đã buôn bán trao đổi đáng kể với nhau và một số nước có hiệp định thương mại song phương, do đó đạt được một thỏa thuận có thể không đem tới những thay đổi rất lớn.
Tin tức cho hay, nhiều vấn đề vẫn cần được giải quyết, bao gồm tranh chấp giữa Washington và Tokyo về phụ tùng ôtô và gạo nhập khẩu và những tranh cãi khác về việc tiếp cận thị trường Canada cho những sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia khác.
Theo lịch trình, các bộ trưởng thương mại sẽ tổ chức một buổi họp báo bế mạc vào thứ Sáu tới để thông báo kết quả của một tuần có thể bao gồm những cuộc thương thuyết quyết liệt đằng sau cánh cửa đóng kín.