Bình minh TPP, hoàng hôn Doha?

04/07/2015 15:15 PM |

Tại sao các thỏa thuận thương mại mới như TPP hay TTIP lại được rốt ráo quan tâm hơn đàm phán thương mại đa phương Doha?

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo nhận định, một khi được ký kết, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động tích cực đến các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu của WTO. Đây là nhận định để phản đối lập luận cho rằng những thỏa thuận như TPP sẽ làm suy yếu nỗ lực xây dựng một hệ thống thương mại đa phương vững mạnh hơn. Theo ông Azevedo, TPP và những thỏa thuận tự do thương mại có thể giải quyết các vấn đề song phương hoặc khu vực, qua đó thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương.

Thực tế, những lo ngại về hệ thống thương mại đa phương như đàm phán Doha sẽ chết yểu là có cơ sở. Bởi vì, tăng trưởng khối lượng thương mại toàn cầu đã chậm lại trong những năm gần đây, và nguyên nhân của tự do hóa đang ngày càng cao theo các hiệp định thương mại khu vực (RTA). Số lượng các RTA đã tăng từ khoảng 70 từ năm 1990 lên 300 hiện nay.

Tại thời điểm này, hai RTA đáng chú ý, trong đó TPP sẽ liên kết 12 nền kinh tế của vành đai Thái Bình Dương gồm cả Nhật Bản và Singapore với Mỹ. 12 nước này chiếm 40% GDP và một phần ba thương mại của thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) là một kế hoạch đầy tham vọng về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU.

 

Các thỏa thuận mới này không chỉ liên quan đến ít quốc gia hơn mà có xu hướng chuyển trọng tâm khác so với các thỏa thuận thương mại trước. Ví dụ, trọng tâm của TPP ít chú ý tới tháo dỡ hàng rào thuế quan mà tập trung nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề như sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Điều này phản ánh thực tế hàng rào thuế quan truyền thống đã giảm nhiều sau nhiều thập niên của tự do hóa thương mại.

Hơn nữa, dịch vụ đóng góp cho GDP toàn cầu lớn hơn bao giờ hết, khiến thương mại dễ dàng tăng thu nhập trên toàn thế giới. Các nhà đàm phán thương mại của Mỹ dự báo đến năm 2025, TPP sẽ giúp thế giới có thêm 220 tỷ USD mỗi năm, thêm khoảng 1% so với GDP. TTIP có một trọng tâm tương tự.

Thỏa thuận này tập trung vào quy định và các rào cản phi thuế quan, vì hầu hết các sản phẩm giao dịch qua Đại Tây Dương có mức thuế gần bằng không (ngoại lệ mặt hàng giày và chocolate). Những lợi ích tiềm năng rất khó để ước tính, nhưng một dự báo hợp lý là TTIP có thể tăng GDP của Mỹ lên 0,4% và của EU hơn một chút.

Tuy nhiên, cũng có những phản đối mạnh mẽ. Thậm chí một số nhà kinh tế, từ lâu đã ủng hộ thương mại tự do, lập luận rằng, động lực tăng trưởng từ những thỏa thuận mới không nhiều. Trong cuộc biểu quyết ngày 18/6, các dân biểu Mỹ đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống Barack Obama rộng quyền đàm phán thương mại.

Đạo luật "fast track" cho phép nhanh chóng kết thúc vòng đàm phán sau cùng TPP. Qua đó, cho phép Tổng thống Obama ký kết trước cuối nhiệm kỳ TPP với 11 đối tác Thái Bình dương trong đó có Úc, Nhật Bản, Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều chính trị gia của đảng Dân chủ lo ngại hàng nhập khẩu từ các nước có chi phí thấp như Việt Nam sẽ làm tổn thương người lao động Mỹ trong các ngành như sản xuất ô tô và dệt may.

Ngay cả khi các bộ trưởng thương mại tuyên bố hoàn tất đàm phán TPP, hiệp định này vẫn cần phải được nghị viện hoặc quốc hội của các nước thành viên thông qua. Mục tiêu của Nhà Trắng hiện nay là thúc đẩy để TPP được Nghị viện phê duyệt trước khi kết thúc năm 2015 và trước khi các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 bắt đầu nóng lên.

Với sự chậm trễ gần đây của Nghị viện về TPA, một số quan chức Mỹ đánh giá đây là một mục tiêu đầy "tham vọng." Trong khi đó, các chuyên gia về môi trường, công đoàn và những nhóm hoạt động xã hội khác đang tăng tốc cho việc chống lại TPP.

 

Những trở ngại của TTIP mang một màu sắc khác. Trong một tuyên bố phản ánh tính chất phức tạp và tranh cãi kéo dài của các hiệp định thương mại tự do, ngày 28/4 các quan chức Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) thông báo tiến trình đàm phán về TTIP giữa Washington với châu Âu sẽ kéo dài sang năm 2016.

Một trong những trở ngại lớn còn lại là các điều khoản liên quan tới việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ sử dụng cái gọi là "cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư với các nhà nước" (ISDS) để thách thức các luật lệ về thực phẩm, lao động và môi trường của châu Âu.

Các cuộc đàm phán về ISDS đã bị trì hoãn suốt từ năm 2014 tới nay. Cuộc đàm phán TTIP trong khi đó không phải là một ưu tiên đối với chính quyền Obama so với TPP.

Theo Lam Hồng

Cùng chuyên mục
XEM