BSC: Năm 2015, Việt Nam sẽ nhập siêu trở lại

09/01/2015 07:02 AM |

Trong bối cảnh gia nhập các hiệp định FTA, đón đầu hiệp định TTP và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% năm 2015, nhu cầu đầu tư sản xuất cũng gia tăng, các ngành sản xuất buộc phải gia tăng nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất...

Một điểm sáng trong nền kinh tế được Bộ, ngành nhắc tới nhiều lần là Việt Nam trong năm 2014 tiếp tục là nước xuất siêu. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu kể từ sau gia nhập WTO năm 2007, với mức xuất siêu gần 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu, Việt Nam có được mức xuất siêu này nhờ doanh nghiệp khối FDI xuất siêu 17 tỷ USD (trong đó, xuất siêu dầu thô của khối này là 7,2 tỷ USD), trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15 tỷ USD.

Trong Báo cáo vĩ mô và Thị trường chứng khoán mới công bố, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã chỉ ra 4 hạn chế còn tồn tại của nội lực thương mại quốc tế của Việt Nam.

Một là, phụ thuộc quá lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong khi nhập siêu khu vực nội địa vẫn không ngừng gia tăng.

Hai là, tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên, phụ liệu sản xuất còn lớn, phụ thuộc và dễ rơi vào khó khăn nếu giá cả hàng hóa thế giới biến động, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Ba là, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn còn ở dạng thô nên dù sản lượng xuất khẩu cao nhưng trên  thực tế, giá trị gia tăng của kim ngạch xuất khẩu còn thấp.

Bốn là, xuất nhập khẩu của Việt Nam có xu hướng phụ thuộc cao, ví dụ như nhập khẩu phụ  thuộc Trung  Quốc, xuất khẩu phụ thuộc Mỹ và EU, đồng thời tỷ lệ xuất khẩu trên GDP quá lớn (>80%) tiềm ẩn rủi ro tổn thương cao trong trường hợp biến động thương mại hoặc địa chính trị thế giới.

BSC nhận định: Cán cân thương mại Việt Nam 2014 thiếu ổn định khi xuất khẩu phụ thuộc lớn vào khu vực FDI (và dầu thô) trong khi khu vực trong nước không ngừng gia tăng nhập siêu.

Đơn vị này cũng dự báo, năm 2015, Việt Nam khó có thể duy trì đà xuất siêu như trước.

Lý do: Trong bối cảnh gia nhập các hiệp định FTA (hiệp định thương mại tự do), đón đầu hiệp định TTP (Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương) và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% năm 2015, nhu cầu đầu tư sản xuất cũng gia tăng, các ngành sản xuất buộc phải gia tăng nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, từ đó tạo áp lực đáng kể lên cán cân bên nhập khẩu.

Tuy nhiên, BSC cũng nhận định, nhập siêu trở lại không phải là vấn đề quá nặng nề, bởi Việt Nam hiện vẫn là nền kinh tế gia công xuất khẩu, trong đó sản xuất gia công là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Vấn đề cốt lõi là nhanh chóng xây dựng hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, gấp rút tinh giản và tối đa hóa hiệu quả của môi trường sản xuất kinh doanh, từ đó làm bàn đạp để  thúc đẩy sản xuất trong nước thay vì nhập siêu hàng tiêu dùng” – BSC khuyến nghị.

>> Thương mại Việt Nam 2014: Xuất siêu nhờ FDI

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM