BRVT: Doanh nghiệp “đau đầu” với giá dầu
Đã cắt giảm 600 chức danh trong vòng 2 năm qua và trong 5 năm tới có thể Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) phải cắt giảm đến 2.200 lao động.
Đó là một trong những quyết định đầy khó khăn đối với DN này trong cơn suy thoái giá dầu. Không chỉ thế, để tránh mất cân đối tài chính, VSP cũng đang “tiến thoái lưỡng nan” trước hàng loạt phương án…
Cũng như VSP, nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khíViệt Nam (PVN) cũng đang trong tình trạng lao đao theo đà giảm sâu của giá dầu.
Mất cân đối tài chính
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, giá dầu suy giảm kể từ tháng 10/2014 đến nay đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm nguồn thu của tập đoàn và các đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
Năm 2015, PVN đạt mức cao về sản lượng khai thác, đạt 29,42 triệu tấn quy dầu, vượt 10,6% kế hoạch. Trong đó khai thác dầu thô đạt 18,5 triệu tấn,khai thác khí đạt 10,67 tỉ mét khối (mức sản lượng khai thác cao nhất kể từ trước đến nay).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng giá dầu nên các chỉ tiêu tài chính chỉ ở mức khiêm tốn. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều sụt giảm mạnh từ 70-83% so với năm trước. Điều đáng lưu ý là nhiều đơn vị thành viên rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính.
Theo đó, Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro mất cân đối hơn 200 triệu USD, buộc phải lấy từ nguồn sản xuất để đầu tư các dự án vì theo Nghị định liên Chính phủ VSP được để lại 35% lợi nhuận để đầu tư tìm kiếm, thăm dò, nhưng do giá dầu hạ không đủ trang trải chi phí.
Theo ông Từ Thành Nghĩa – TGĐ Liên doanh Vietsovpetro, theo nghị quyết hội đồng Vietsovpetro vào cuối năm 2014, giá dầu kế hoạch năm 2015 của liên doanh này là 75 USD/thùng. Nhưng trên thực tế, giá bán dầu trung bình cả năm của VSP chỉ có 56,1 USD/thùng.
Và trong năm 2016, ngành khai thác dầu sẽ còn khó khăn hơn do giá dầu kế hoạch thông qua là 55 USD/thùng, trong khi giá dầu hiện chỉ còn hơn 30 USD/thùng. Vì vậy, khả năng năm 2016 VSP khó đạt doanh thu bán dầu 2,1 tỉ USD, nộp ngân sách gần 950 triệu USD, lợi nhuận phía VN đạt 206 triệu USD và Nga là 198 triệu USD bởi doanh thu bán dầu sẽ giảm đi gần một nửa.
VSP chỉ có thể đảm bảo được lợi nhuận nếu giảm được chi phí sản xuất dầu dưới 20 USD/ thùng.
Đối phó thế nào?
Những kịch bản khác nhau đã được VSP đưa ra để đối phó nhưng theo VSP, giải pháp hiệu quả nhất đối với hiện tại là tiết kiệm tối đa, giảm thiểu chi tiêu. Với những giếng có sản lượng ít, thu không đủ bù chi, Vietsovpetro chuyển đổi thành những giàn khai thác đầu giếng để giảm từ hơn 40 nhân công vận hành trước đây xuống chỉ còn hơn 10 người mỗi giàn. Vietsovpetro đã chuyển 4 giàn gồm MSP 3, 5, 7 và 11 (khu vực mỏ Bạch Hổ) thành những giàn nhỏ hoặc đóng giàn.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Vietsovpetro sẽ giảm khoảng 2.200 nhân sự. Và để cắt giảm chi phí, Vietsovpetro đã phải tạm dừng hoặc giãn một số dự án tìm kiếm, thăm dò có chi phí cao.
“Chúng tôi phải tạm dừng việc thăm dò, tìm kiếm ở một số vùng biển xa, rủi ro cao để có đủ tiền chi tiêu cho những việc cấp thiết trước mắt. Với những chi phí trên bờ, chỉ chi tiêu đối với những dự án thật sự cần thiết, thiết thực”, ông Nguyễn Thế Kim – Chánh văn phòng Đảng ủy Vietsovpetro nói.
Theo ông Từ Thành Nghĩa – VSP sẽ tìm cách tối ưu hóa chi phí sản xuất xuống còn 16-17 USD/thùng. Đối với những giàn, những giếng có chi phí vận hành quá cao thì sẽ đóng cửa. Trong điều kiện như thế này, không nên đặt nặng vấn đề sản lượng, bởi nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp nữa thì càng khai thác, càng lỗ.
Ông Từ Thành Nghĩa cũng cho biết đang kiến nghị Chính phủ 2 phía cho phép để lại 45% doanh thu so với 35% như hiện nay để cân đối bảo đảm trang trải cho nhiệm vụ sản xuất.