Bộ trưởng Công Thương bị đòi nợ

12/06/2015 16:09 PM |

“Ba năm trước, khi chất vấn Bộ trưởng về chuyện hành tím Sóc Trăng rớt giá, Bộ trưởng có hứa với tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan...Xin hỏi lời hứa trên đã được thực hiện ra sao trong 3 năm qua?"

Đường đi vòng vèo, giá dưa đắt cả chục lần

Trong phiên chất vấn chiều 11/6, liên quan tới tiêu thụ nông sản, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đặt câu hỏi về việc giá dưa hấu thu mua tại ruộng của nông dân chỉ ở mức hơn 2.000đ/kg, nhưng khi ra tới chợ giá đã bị đội lên gấp 10 lần, tới 18.000 – 20.000 đồng/kg.

Trả lời câu hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thống kê của Bộ Công Thương thì đúng là dưa hấu miền Trung bán tại ruộng chỉ 2.500 đồng/kg, nhưng khi vào tới chợ, siêu thị giá bán lên tới 18.000 – 20.000 đồng/kg.

“Bắt mạch” nguyên nhân ông cho rằng, trước tiên do một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, vải… trồng phân tán, dễ hao hụt lớn khi thu hoạch. Bên cạnh đó, do địa bàn sản xuất, trồng cách với địa bàn tiêu thụ khá xa khiến chi phí vận chuyển cũng tăng lên.

Nguyên nhân cuối cùng được Bộ trưởng Công Thương dẫn giải là do thương nhân sau khi thu mua dưa ở ruộng, lúc đưa vào chợ, siêu thị phải thực hiện quá trình loại bỏ những sản phẩm hỏng, chất lượng kém … nên khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng đều là những mặt hàng đã được “tuyển chọn”, do đó giá bị đội lên nhiều.

Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển khâu lưu thông từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, mới mong giảm được giá khâu trung gian, từ đó giảm giá bán. Đến nay đã đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp được 8.500 chợ góp phần tiêu thụ 40% số lượng bán lẻ. Hệ thống siêu thị gồm 900 trung tâm thương mại đã tiêu thụ khoảng 20% sản phẩm trong nước. Ngoài ra hệ thống kho bãi để tập kết hàng nông sản cũng có khoảng 1 triệu kho bãi để phân loại, đóng gói tiêu thụ. Cùng với đó là có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần.

“Chúng tôi tăng cường hoạt động kết nối giữa nông dân và DN. Đã thí điểm cơ chế liên kết này ở 12 tỉnh trong cả nước như Lào Cai, Bắc Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang… Bộ đứng ra làm trung gian kết nối các DN có uy tín trong và ngoài nước với người sản xuất tại các địa phương đó. DN tiến hành khảo sát nghiên cứu và ký hợp đồng với nông dân ở các tỉnh. Nhiều địa phương đề nghị nhân rộng mô hình này” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Nói tới chuyện nông sản nhưng ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) lại muốn “nhắc nợ” lời hứa mà Bộ trưởng Huy Hoàng đưa ra cách đây 3 năm với mặt hàng hành tím Sóc Trăng.

“Ba năm trước, khi chất vấn Bộ trưởng về chuyện hành tím Sóc Trăng rớt giá, Bộ trưởng có hứa với tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện để DN kinh doanh xuất khẩu tiếp tục tìm đầu ra, tăng cường cung cấp thông tin về tình hình thị trường trong, ngoài nước để bà con tham khảo. Xin hỏi lời hứa trên đã được thực hiện ra sao trong 3 năm qua? Bộ trưởng cũng có nói đừng đổ lỗi cho nông dân trong chuyện dưa, hành “được mùa rớt giá”. Vậy xin hỏi ai phải chịu trách nhiệm?”, ĐB Trần Khắc Tâm hỏi.

Trưởng ngành công thương thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ trong báo cáo, cung cấp thông tin, tìm hiểu giá cả và định hướng thị trường dù những việc làm này vẫn được thực hiện thường xuyên trong thời gian qua. “Với mặt hàng hành tím Sóc Trăng do thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Indonesia – chiếm khoảng 80% lượng hành sản xuất trong nước, nên khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu chuyển sang tự cung trong nước, ngay lập tức hành tím Sóc Trăng bị dồn ứ. Có phần lỗi của chúng tôi là đã thông tin chưa kịp thời đến người dân khi mùa vụ thu hoạch cận kề” – ông giải thích.

Tuy nhiên, khắc phục tình trạng này Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, sẽ khó “một sớm một chiều” do đây là chính sách của một quốc gia.

Thương lái gian lận đều bị xử lý

Cũng đề cập tới chuyện nông sản, nhưng là chuyện thương lái Trung Quốc mua gom nông sản trong nước, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) yêu cầu Bộ trưởng Hoàng nêu rõ trách nhiệm của ngành, của người đứng đầu khi để tình trạng này “tái đi tái lại”.

Vẫn cách trả lời không đi thẳng vào vấn đề mà mang hướng kiến giải, phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng khiến nhiều ĐB tỏ ra không hài lòng. Bấm nút chất vấn lần thứ 2, ĐB Nguyễn Thị Khá nhắc lại, vấn đề Trung Quốc hoành hành đã được bà đặt ra cho Bộ trưởng trong những lần chất vấn trước nhưng chưa thấy được giải pháp mà ngành triển khai để ngăn chặn…

Tư lệnh ngành công thương lý giải, thông tin việc thương lái nước ngoài thu mua các mặt hàng “lạ” là có, như họ mua cau non để làm thuốc… Tuy nhiên, sau khi phản ánh của báo chí Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát và xử lý nghiêm túc nên tình trạng này đã phần nào đẩy lùi.

Một lần nữa ngắt lời Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, thương lái bất cứ nước nào nếu làm ăn gian lận, không đúng pháp luật đều bị xử lý.

"Không chỉ có thương lái nước mà ĐB Khá nêu, mà thương lái nhiều nước khác cũng có tình trạng đó. Ngay cả trong nước ta, người mua người bán nước ta, cũng có tình trạng đó, đều cần phải xử lý", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Theo Trường Giang

Cùng chuyên mục
XEM