Bộ trưởng Vinh nói gì về việc “20 tỉ USD hàng Trung Quốc lọt vào VN không qua kiểm soát”?

09/06/2015 11:06 AM |

Đăng đàn khá muộn vào cuối phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, con số chênh lệch trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc mà TS Mai Hữu Tín đưa ra tại phiên thảo luận buổi sáng là chính xác.

Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội  sáng 8/6, TS Mai Hữu Tín - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương đã đề cập đến “một con số khổng lồ” trong thâm hụt thương mại VN - TQ, về một nền kinh tế ngầm và về “chiếc áo bảo vệ” nền kinh tế đang "rách".

Theo TS Tín, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam ghi nhận lẽ ra phải cao hơn giá trị mà Trung Quốc ghi nhận, nhưng số liệu nhập khẩu Việt Nam ghi nhận lại thấp hơn số liệu từ phía Trung Quốc vào khoảng 20 tỉ USD chỉ tính riêng trong năm 2014. Đó là một con số khổng lồ.

Như vậy, riêng năm 2014, chúng ta có hơn 20 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng. Đó là các loại hàng hóa quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, điện thoại di động…

Đăng đàn khá muộn vào cuối phiên thảo luận buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Bùi Quang Vinh khẳng định, con số chênh lệch trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc mà TS Mai Hữu Tín đưa ra tại phiên thảo luận buổi sáng là chính xác.

“Đây là vấn đề cho thấy chúng ta quản lý hải quan chưa tốt, vẫn còn tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Cụ thể, Bộ trưởng Vinh cho biết, thời gian qua Bộ KHĐT đã kiểm tra các con số về xuất nhập khẩu. Số liệu  xuất nhập khẩu hàng năm là Tổng cục thống kê lấy của Hải quan, trong đó có một tổ đã hình thành để giám sát hoạt động thống kê gồm Vụ thống kê (Bộ KHĐT), Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước.

Vậy tại sao có sự chênh lệch này?

Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có chênh lệch về cách tính toán như vậy. Với Singapore, Nga, Bồ Đào Nha... chúng ta đều có chênh lệch trong cách tính toán ở mức khác nhau.

Bộ trưởng Vinh nêu ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này.

Thứ nhất, trong thống kê về xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới đều bị chênh lệch này. Thế giới quy định xuất khẩu hàng hóa tính theo giá FOB, nhập khẩu tính theo giá CIF (tính cả phí vận tải và bảo hiểm). Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi nước lại tính theo một cách khác nhau.

Thứ hai, hàng hóa đưa vào mỗi nước lại có cách tính khác nhau. Đối với xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, Việt Nam có làm thủ tục hải quan và tính vào xuất khẩu nhưng Trung Quốc không tính.

Chẳng hạn, năm 2014, trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 2,5 triệu tấn. Trong khi nhập khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch, qua biên giới Lào Cai. Bên Trung Quốc không tính con số này, nhưng bên Việt Nam lại tính nên con số bị đội cao lên.

Thứ ba, là do cách tính giá của mỗi nước khác nhau. Trung Quốc tính giá theo cách của họ là tính cao. Trong khi Việt Nam tính theo trị giá hải quan, nên con số có chênh lệch. Xuất khẩu sang Trung Quốc đều là hàng cấm, nhiều nông sản xuất đi cũng không tính được.

“Tất nhiên, vẫn có tình trạng buôn lậu, có gian lận thương mại. Điều đó không tính hết được. Nhưng không phải lên đến con số như vậy” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM