Biểu tình có thể khiến kinh tế Hồng Kông khốn đốn

30/09/2014 08:25 AM |

Sáng 29/9, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông có thời điểm giảm 2,5%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7.

Cuộc biểu tình lớn nhất ở Hồng Kông kể từ khi vùng lãnh thổ này được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 đã khiến thị trường chứng khoán và đồng Dollar Hồng Kông giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay (29/9).

Giới phân tích cảnh báo, trong dài hạn, biểu tình có thể sẽ khiến nền kinh tế của vùng lãnh thổ này gặp thách thức lớn.

“Hồng Kông là một thành phố rất nhỏ. Nền kinh tế ở đây phụ thuộc nhiều vào hệ thống tài chính và thị trường tài chính”, ông Sean Darby, trưởng bộ phận chứng khoán toàn cầu của công ty Jefferies, phát biểu trên CNBC. “Lo ngại nằm ở chỗ, biểu tình sẽ gây gián đoạn các hoạt động tài chính, gây ảnh hưởng dài hạn đến nền kinh tế và các nhà đầu tư rót vốn vào Hồng Kông”.

Sáng sớm nay, cảnh sát chống bạo động của Hồng Kông đã xả hơi cay và dùng dùi cui để trấn áp những người biểu tình đòi bầu cử dân chủ, trong khi người biểu tình dựng các rào chắn trên các tuyến phố quan trọng. Các cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.

Biểu tình rầm rộ đã khiến 17 ngân hàng ở Hồng Kông đóng cửa tạm thời đóng cửa 29 chi nhánh, văn phòng hoặc máy ATM. Nhiều công ty có văn phòng hoặc trụ sở ở quận trung tâm của Hồng Kông cũng buộc phải đóng cửa.

Trong phiên giao dịch sáng 29/9, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông có thời điểm giảm 2,5%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7. Đồng Dollar Hồng Kông vốn ổn định cũng mất giá so với đồng USD, buộc cơ quan tiền tệ của Hồng Kông phải lên tiếng trấn an thị trường rằng, nhà chức trách sẵn sàng can thiệp để giữ đồng tiền không vượt ra khỏi biên độ dao động đã được ấn định.

Giới phân tích lo ngại việc biểu tình nổ ra giữa lúc Hồng Kông đối mặt với sự cạnh tranh hút vốn đầu tư ngày càng lớn với Trung Quốc đại lục. Dịch vụ tài chính đóng góp khoảng 16% GDP của Hồng Kông.

Một đường dây kết nối giao dịch mới giữa thị trường chứng khoán Hồng Kông và Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10 năm nay, cho phép các nhà đầu tư bên ngoài Trung Quốc được tiếp cận với cổ phiếu A niêm yết trên thị trường đại lục.

“Cho dù không có biểu tình, về dài hạn, kế hoạch này sẽ đưa một lượng thanh khoản lớn vào thị trường và hệ thống tài chính của Trung Quốc”, ông Darby nhận xét.

“Đến một lúc nào đó, một phần của thị trường Hồng Kông, chẳng hạn thị trường chứng khoán nơi cổ phiếu H được niêm yết, sẽ không còn được xem trọng như trước”, bởi biểu tình sẽ khiến nhiều nhà đầu tư chọn Trung Quốc đại lục thay vì Hồng Kông - theo ông Darby.

Một số chuyên gia khác cũng bày tỏ lo ngại về việc liệu Hồng Kông có thể duy trì được sự quan tâm của giới đầu tư khi mà Trung Quốc đại lục đã bắt đầu mở rộng hơn cánh cửa thị trường tài chính.

“Rõ ràng, Hồng Kông sẽ phải nỗ lực để giữ vai trò là trung tâm thanh toán và cửa ngõ để tiến vào Trung Quốc đại lục” bởi Thượng Hải đang ngày càng mở rộng cửa hơn - ông Taimur Baig, chuyên gia kinh tế trưởng tại châu Á của ngân hàng Đức Deutsche Bank, đánh giá.

Theo ông Baig, ngoài ra, Hồng Kông còn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các trung tâm tài chính khác. “Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý tài sản, Singapore đã vươn lên dẫn đầu ở châu Á và Hồng Kông đang tụt hậu ở mảng này”, ông Baig nói.

Các nhà phân tích cũng đang chờ xem các lĩnh vực khác ở Hồng Kông, chẳng hạn ngành hàng xa xỉ, sẽ chịu tác động ra sao tùy thuộc vào sự thay đổi về số lượng du khách đến vùng lãnh thổ này từ Trung Quốc đại lục. Thông thường, một lượng du khách lớn từ đại lục sẽ sang Hồng Kông vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc vào đầu tháng 10 hàng năm. Du lịch đóng góp gần 5% GDP của Hồng Kông.

“Doanh thu bán lẻ của Hồng Kông sẽ chịu ảnh hưởng nếu biểu tình tiếp tục diễn ra”, ngân hàng ANZ nhận xét trong một báo cáo ngắn ra sáng nay. “Còn sớm để dự báo về ảnh hưởng bởi chưa tới tuần nghỉ lễ Quốc khánh, nhưng doanh thu bán lẻ của Hồng Kông trong dịp này năm nay có thể sẽ giảm”.

Tuy vậy, một số chuyên gia không cho là biểu tình sẽ có ảnh hưởng dài hạn đến kinh tế Hồng Kông.

“Tôi cho rằng, bất ổn chính trị cũng giống như một cái chảo chống dính, chẳng gì dính đến nó được”, ông Andrew Freris, CEO của hãng tư vấn Ecognosis Advisory, nhận định. Ông nhấn mạnh việc nền kinh tế Thái Lan và Indonesia đã phục hồi nhanh chóng sau bất ổn chính trị ở các quốc gia này.

>> Rút cảnh sát chống bạo động, Hong Kong vẫn tắc nghẽn

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM